Phạm Thảo Nguyên, tên thật là Phạm Thị Thảo, con dâu thi sĩ Thế Lữ. Năm 2012, bà đã dày công sưu tầm và số hóa hai bộ tạp chí Phong Hóa và Ngày Nay.
Tác giả Cao Huy Thuần, trong phần giới thiệu quyển “Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay” (Khai Tâm phát hành), đã viết, khi làm việc với các ấn bản hai tờ báo này, bà Thảo Nguyên đã có cơ hội khám phá thêm tài năng xuất chúng của Nhất Linh: ông không chỉ viết hay mà còn vẽ đẹp. Nhất Linh, với con mắt nghệ thuật tinh tường, đã giới thiệu cho công chúng, và chúng ta ngày nay, biết đến Cát Tường, tác giả áo dài Lemur, “chiếc áo dài đã nhập vào hình hài Việt Nam một cách hài hòa đến nỗi bây giờ nghiễm nhiên trở thành biểu trưng của bản sắc Việt Nam.”
Nếu nói một cách công bằng, hiện nay ta có thể biết rõ được quá trình khai sinh và phát triển mẫu áo dài Lemur là nhờ vào công lớn của hai người (nếu không kể chính Cát Tường). Trước hết là Nhất Linh, vì với con mắt tinh tường, ông đã đặt lòng tin vào tài nghệ của Cát Tường, khi ấy mới 22 tuổi, và giao cho họa sĩ này phụ trách chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô.”
Thứ đến là chính Phạm Thảo Nguyên, vì bà đã nhận chân được giá trị thực của hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay, và đã bỏ công sưu tầm, số hóa và nghiên cứu. Bà còn đặt nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu sự đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn, Thế Lữ, Kịch nói 1930-1945, nhân vật Lý Toét và Xã Xệ cho nền văn hóa Việt. Ở phần cuối cuốn sách “Áo dài Lemur,” bà còn giới thiệu một số tranh của các họa sĩ Việt đầu tiên, trong đó có Cát Tường, Nguyễn Gia Trí, Nhất Linh, Tô Tử (Tô Ngọc Vân), v.v..
Nếu nói như Cao Huy Thuần, Cát Tường khi “lên ngai vàng của một vương quốc mà tôi xin được gọi là Cõi đẹp,” đã chính thức khai sinh Cõi đẹp, đã trang hoàng cho Cõi đẹp ấy những tà áo dài cách tân, tôn lên vẻ đẹp của người nữ Việt Nam; thì chính Phạm Thảo Nguyên là người dẫn đưa nhiều người Việt hiện đại chúng ta đi vào Cõi đẹp ấy.
Đúng vậy, bà không chỉ là người trân quý và lưu giữ văn hóa, nhưng còn dẫn đưa người khác vào Cõi đẹp của văn hóa Việt.
