Tôi tin những cuốn sách như thế này không thể dành cho những ai đơn thuần muốn tìm kiếm kiến thức, một quan điểm, một góc nhìn để bồi đắp thêm vào cái “tôi” của bản thân mà nó sẽ dành cho những ai thực sự muốn đi tìm sự thật tuyệt đối và đang trên hành trình ấy. Có vô vàng những quan sát tác giả đưa ra sẽ khiến chúng ta không tránh khỏi sự hoang mang: “Làm thế nào để xác định cái gì là thật, khi một tuyên bố trên Wikipedia về tôi là ai và tôi làm gì có thể bị thay đổi bởi bất kỳ ai vào bất kỳ lúc nào? Khi mà chúng ta có thể tự giới thiệu trên các trang mạng xã hội bằng bất cứ cách nào ta muốn? Khi mà các blog có thể khẳng định mà không cần bằng cớ và không chịu hậu quả, rằng cựu tổng thống Mỹ (Barack Obama) sinh ở Kenya? Làm thế nào để đoan chắc cái gì là đẹp – khi một bức ảnh chụp bởi một nghệ sĩ bậc thầy có thể được chỉnh sửa bằng vô số công cụ trên Photoshop, hoặc khi đánh giá/nhận định về các tác phẩm nghệ thuật do số đông bình chọn được coi là có trọng lượng hơn bình chọn của các chuyên gia? Làm thế nào để điều “thiện” – khi dễ dàng lan truyền những tin đồn vô căn cứ về đời tư của người khác…”. Hay “…ngày càng thân thuộc với những nền văn hóa cách xa nhau về không gian và thời gian, chúng ta trở nên đắn đo, rụt rè trước những khẳng định tốt hay xấu. Kẻ khủng bố của nhóm người này là chiến sĩ tự do của nhóm người khác. Ai tượng trưng cho Thiện, ai tượng trưng cho Ác: Athens hay Sparta, Hamas hay Liên minh Bảo vệ Do Thái?”. Những quan sát này của tác giả khiến tôi tự hỏi: “Liệu những chia sẻ này của cá nhân có phải là sự thật mặc dù tôi biết chắc chắn nó đẹp và hướng thiện vì như chúng ta biết một nửa sự thật thì đã không còn là sự thật, cái nhìn của chúng ta thường chịu ảnh hưởng bởi kinh nghiệm của mình?” Gardner đã làm rõ suy tư này của tôi bằng quan điểm: “Bộ ba phẩm tính này khác biệt nhau rõ rệt về khái niệm – mỗi cái phải được xem xét theo giá trị (và thiếu sót) riêng của nó”.
Có thể nói cuốn sách này, theo một nghĩa nào đó như một lý lẽ chống lại cách nhìn thế giới qua lăng kính sinh học và kinh tế học. Cụ thể tác giả đưa ra những lập luận: “Liệu có gen nào quy định thẩm mĩ của chúng ta không? Liệu có khu vực nào của bộ não dành riêng cho việc xác định sự thật? Khu vực nào? Liệu chúng ta có thể nhận dạng hoạt động thần kinh nào chi phối những phán xét về đạo đức?”. Hay qua lăng kính kinh tế: “Số đông thì thông minh, do đó chúng ta có thể dựa vào quyết định của nó về cái gì là đúng. Tương tự, thị trường thì không sai, do đó những tác phẩm nghệ thuật có giá cao nhất thì đẹp nhất”.
Trình tự mà Howard Gardner sẽ khảo sát từng phẩm chất riêng biệt:
– Trước hết từ chính thuật ngữ
– Tiếp theo là dưới ánh sáng của những thách thức từ những luồng tư duy mới và những hình thái công nghệ mới.
– Tác giả đưa ra quan điểm xem xét cá nhân về việc tốt nhất nên giáo dục lớp trẻ như thế nào và chúng ta, những người không còn trẻ nên tiếp tục gắn bó với những đề tài vĩnh cửu này như thế nào.
Thật khó để hiểu cặn kẽ từng câu, từng chữ trong cuốn sách này. Nó đòi hỏi sự dành thời gian suy ngẫm rất lớn. Và những hạn chế về ngôn ngữ diễn đạt và ngôn ngữ dịch thuật là khó tránh khỏi. Nhưng tôi vẫn thích tác phẩm này ở tính thời sự của nó, làm cho những vấn đề, luận điểm được nêu ra trở nên gần gũi và thiết thực hơn bao giờ hết.
Phần lớn tác phẩm là những thu thập, quan sát, nghiên cứu, phân tích, suy ngẫm của tác giả về ba khái niệm Chân-Thiện-Mĩ theo dòng thời gian từ xa xưa đến nay. Tuy lập luận một cách đa chiều, khái quát và khách quan nhưng cũng vì thế mà làm cho độc giả trở thành những người tiêu thụ thông tin thuần túy một cách thụ động. Và tuy nó cho thấy sự nghiên cứu miệt mài, sâu sắc và sự uyên bác của tác giả nhưng sẽ thật khó để đọng lại một điều gì đó cho độc giả nói chung và bản thân tôi nói riêng, vì như Gardner đã viết: “Trong mắt các con tôi, bạn bè chúng và các sinh viên của tôi, tôi ngày càng bị nhận xét là có quan điểm tương đối, nếu không nói là hư vô, về bộ ba phẩm tính cổ điển”.
Điều tôi quan tâm nhất trong cuốn sách này, đó là một mục tiêu mà tác giả đã đặt ra ngay từ đầu: “Chúng ta, những người không còn trẻ nên tiếp tục gắn bó với những đề tài vĩnh cửu này như thế nào?”. Với sự khởi đầu trong việc xem xét tuổi thọ của chúng ta ngày càng cao, Gardner muốn chứng minh rằng càng lớn tuổi thì con người có thể xác lập chân lý vững chắc hơn, cảm nghiệm về cái đẹp có thể cá biệt hóa hiệu quả hơn, và có thể đảm nhiệm nhiều vai trò theo cách đẹp đẽ hơn về mặt đạo lý.
Theo tác giả, trước hết, ta cần một sự miệt mài theo đuổi chân lý, ở bất kỳ nơi nào chúng có thể xuất hiện, và ngay cả khi chúng đi ngược với những niềm tin mà ta đã từng trân quý. Bước tiếp theo là luôn theo sát những phát hiện mới nhất, đánh giá trên tinh thần phản biện nhưng không khinh bạc. Những người già hơn và được coi là khôn ngoan hơn nếu biết lắng nghe, ngắm nhìn và học hỏi từ những mối liên hệ với tuổi trẻ sẽ phát huy được ưu thế hơn. Những khả năng hấp thụ và thích nghi nhanh ngày nay có thể được thúc đẩy bởi việc tiếp cận với truyền thông và công nghệ tối tân, nhưng chúng không thể thay thế cho sự sáng rõ của quan điểm, mục đích và phương pháp. “Thâu nhận mọi thông tin mà bạn có thể, tổ chức lại tốt nhất có thể, nhưng đừng đánh mất khả năng nhìn thấy cái gì thực sự quan trọng, thực sự có giá trị, và bạn có thể sử dụng tri thức ấy vào việc phục vụ cho “cái thiện” như thế nào”.
Những người có đầu óc thông thoáng, mềm dẻo linh hoạt sẽ có thuận lợi nổi bật về mọi mặt. Những người giữ được khoảng cách với bản thân lớn hơn lại có thể hiểu rõ hơn họ thật sự đặc biệt ở những điểm nào. Hãy tin vào cảm nhận của chính mình ở thời điểm hiện tại, đồng thời cũng cởi mở rằng nó sẽ thay đổi theo thời gian hoặc không, tránh bám chấp và tôn trọng quan điểm của người khác.