Khai Tâm | Thanh điệu tiếng Việt | Ngôn ngữ học

Danh sách sản phẩm

Thanh điệu tiếng Việt: Một phân tích mới

Tác giả: Andrea Hoa Pham
Nhà xuất bản: NXB Dân Trí
Công ty phát hành: Khai Tâm
Số trang: 322
Hình thức bìa: Bìa mềm
Ngày xuất bản: 11/2023
Trọng lượng (gr):500
  • Giá bìa: 198.000 đ
  • Tại Sách Khai Tâm: 128.700 đ
  • Tiết kiệm: 69.300 đ (35%)

Giá trị & dịch vụ cộng thêm:

  •  Bookmark miễn phí
  • Giao hàng miễn phí cho đơn hàng từ 200.000 đ (nội thành HCM) và từ 500.000 đ (ngoại thành HCM/ Tỉnh) 
  • Với mỗi 90k trong đơn hàng, quý khách được tặng 1 
  • Bao đọc sách hay, đổi ngay nếu dở (chi tiết)
  •  Bao sách miễn phí nếu có yêu cầu
Số lượng:

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này là phiên bản ‘dễ đọc’ của luận án tiến sĩ (Hoa Pham, Thanh điệu tiếng Việt: Thanh điệu không phải là Cao độ), đã bảo vệ và nộp Đại học Toronto năm 2001. So với luận án, phiên bản này không có thay đổi đáng kể ngoài những chỉnh sửa có tính biên tập. Chúng tôi đặt tựa đề mới cho phiên bản này, thay đổi một chút các tiêu đề các chương. Một số nội dung cũng được sắp xếp lại, những chỗ lặp lại trong luận án bị loại bỏ. Ngoài ra còn có những điều chỉnh về phong cách, song tất cả các dữ liệu ban đầu và các luận điểm vẫn được giữ nguyên như trong luận án.

 

Cuốn sách này được viết tại Đại học York, thành phố Toronto, Canada, vào năm đầu của học bổng hai năm nghiên cứu hậu tiến sĩ (post-doctoral fellowship), và trong năm đầu tiên chúng tôi bắt đầu làm việc tại viện Đại học Florida, Hoa kỳ. Tôi xin trân trọng cảm ơn Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn của Canada (SHRCC) đã cấp cho học bổng này, và những tài trợ của viện Đại học Florida trong thời gian tôi hoàn thành cuốn sách.

 

Andrea Hoa Pham

Đại học Florida, Gainesville

 

(Bản tiếng Việt này được chính tác giả dịch từ nguyên bản tiếng Anh. Những thuật ngữ ngôn ngữ học được chú thích thêm tiếng Anh bên cạnh để người đọc có thể kiểm tra khi cần. Bản dịch cũng thêm bớt vài chữ cho rõ nghĩa và thay đổi một chút về phong cách, để gần gũi với văn phong tiếng Việt hơn, nhưng nội dung hoàn toàn trung thành với nguyên tác)

Mục lục

LỜI CẢM NHẬN
LỜI NÓI ĐẦU
LỜI CẢM ƠN


CHƯƠNG MỘT
Giới thiệu chung
CHƯƠNG HAI
Các vấn đề âm vị học của Thanh điệu
CHƯƠNG BA
Số lượng thanh điệu trong tiếng Việt
CHƯƠNG BỐN
Đặc tính âm học của Thanh điệu
CHƯƠNG NĂM
Ngữ âm và Âm vị của Thanh điệu
CHƯƠNG SÁU
Phạm vi hoạt động của Thanh điệu
CHƯƠNG BẢY
Kết luận


PHỤ LỤC
I. Biểu đồ cao độ của thanh điệu từ các cộng tác viên khác 
II. Thanh phổ trong [ka] và [ka:k] từ các cộng tác viên khác


TÀI LIỆU THAM KHẢO
SÁCH DẪN

Lời cảm nhận

Cuốn sách này (dựa trên luận án Tiến sĩ của tác giả và đã được xuất bản cùng những sách biên khảo uy tín) là một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, nâng việc miêu tả và phân tích thanh điệu tiếng Việt lên một cấp độ mới. Tất cả những nghiên cứu sau đó cùng chủ đề đều dựa trên kết quả của công trình này. Cuốn sách sẽ được sinh viên và các học giả nghiên cứu tiếng Việt cũng như nghiên cứu loại hình các ngôn ngữ có thanh điệu trên thế giới quan tâm đến. 
- GS Michael Kenstowicz, nhà Âm vị học, Viện Công nghệ MIT, Hoa kỳ


Thanh điệu thường được hiểu là đồng nghĩa với cao độ. Tuy nhiên, trong “Thanh điệu tiếng Việt - một phân tích mới”, Andrea Phạm, một cách thuyết phục, đã trình bày một lập luận thách thức lại quan điểm này, khám phá bản chất phức tạp của thanh điệu trong tiếng Việt, và đưa ra một cách nhìn mới mẻ về cấu trúc và cách thể hiện của chúng.

Phân tích ngữ âm học của Phạm về thanh điệu trong tiếng Việt vượt quá cách hiểu truyền thống của thanh điệu dựa trên cao độ. Phân tích ấy chứng minh rằng các đặc trưng về chất giọng, như giọng thở và giọng kẹt, là các tương quan có tính chất ổn định hơn cao độ. Sự phát hiện có tính chất bứt phá khỏi nền tảng này đã giải quyết một mâu thuẫn lâu nay giữa đặc tính ngữ âm và vai trò âm vị học của một số thanh điệu tiếng Việt. Bằng cách dùng chất giọng trong phân tích, tác giả đã đưa ra một cách nhìn độc đáo, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các hiện tượng thanh điệu trong tiếng Việt, và thách đố quan điểm thông thường về cách nhìn thanh điệu chỉ dựa duy nhất vào cao độ. Mô hình sáng tạo của tác giả mở ra những hướng mới trong việc nghiên cứu về các hệ thống thanh điệu, không chỉ trong tiếng Việt mà còn trong các ngôn ngữ có thanh điệu khác.

Các nhà nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ và bất kỳ ai quan tâm đến các hệ thống thanh điệu sẽ thấy “Thanh điệu tiếng Việt - một phân tích mới” là một tài liệu giá trị, đẩy những hiểu biết về thanh điệu tiếng Việt vượt quá biên giới của nó, và còn hơn thế nữa. 

- GS Ratree Wayland, nhà Ngữ âm học, viện Đại học Florida, Hoa Kỳ

"Thanh điệu tiếng Việt - một phân tích mới" trình bày một cách giải thích độc đáo, công phu và không đơn giản về thanh điệu tiếng Việt. Phân tích này được xây dựng vững chãi trên lý thuyết Đánh dấu trong sự thể hiện các đặc trưng mang tính tầng bậc. Để chứng minh luận điểm của mình, tác giả đưa ra một lượng chứng cớ phong phú trải dài từ lĩnh vực ngữ âm học, sự tự điều chỉnh để thích ứng của các từ vay mượn, sự luân phiên giữa tính chất hình thái học và âm vị học, qua đến các loại hình thanh điệu. Đã bước sang thập niên thứ ba kể từ khi xuất bản, cuốn sách này vẫn là một công trình thuộc loại phải đọc đối với bất kỳ học giả nào có ý định nghiên cứu nghiêm túc về thanh điệu tiếng Việt. Cuốn sách cũng đóng vai trò là nguồn tài liệu tuyệt vời cho những ai đang tìm kiếm một giới thiệu đầy đủ và trong tầm tay về chủ đề này. 
- GS Yoonjung Kang, nhà Âm vị học, viện Đại học Toronto, Canada

Trong 20 năm qua, cuốn sách của Pham đã được dùng như một công trình tham khảo chính bằng tiếng Anh trong việc phân tích ngữ âm và âm vị học của hệ thống thanh điệu tiếng Việt. Cuốn sách đưa ra nhiều nhận định mới mẻ. Các tư liệu cho thấy một cách rõ ràng đây là một hệ thanh điệu không phải với sáu mà là tám thanh, hai thanh sắc và nặng trong các âm tiết kết thúc bằng phụ âm cuối là hai thanh riêng biệt. Quan trọng hơn, công trình này trình bày các chứng cớ đã làm thay đổi hẳn những mô tả truyền thống về thanh điệu: đường nét của thanh điệu trong lời nói có rất nhiều biến thể, song các chất giọng (giọng kẹt và giọng thở) thì tương đối ổn định. Ngoài ra, tác giả còn đóng góp những hiểu biết sâu sắc khác. Trong suốt công trình, các dữ liệu âm học và ngữ âm thực nghiệm được dùng để củng cố cho giả thiết. Bản tiếng Việt của cuốn sách này nhẽ ra đã phải ra đời sớm hơn nhiều. 
- GS Mark Alves, nhà Ngôn ngữ học, Đại học Montgomery, USA


Tác phẩm bậc thầy về thanh điệu tiếng Việt (giọng Bắc) này sẽ được cả những nhà làm lý thuyết ngôn ngữ cũng như những chuyên gia về ngữ âm thực nghiệm quan tâm. Công trình của Phạm thảo luận nhiều vấn đề như số lượng các thanh, các đặc trưng cũng như mức độ phức tạp và tính đánh dấu của chúng, và đưa ra những cấu trúc cần thiết để giải quyết các vấn đề của thanh điệu. Có lẽ điều ngạc nhiên nhất đối với những ai không quen thuộc với phương ngữ này là thiếu sự tương ứng giữa tần số cơ bản f0 và căn cước để nhận dạng thanh điệu. Vì lý do này mà cách người Việt gọi tên thanh điệu thực sự hữu ích so với cách gọi bằng những thuật ngữ phổ biến dựa trên cao độ, như thanh "cao" hay "thấp". Thay vào đó, các đặc tính thanh hầu, như chất giọng kẹt hay giọng thở, giúp việc nhận dạng thanh điệu. Điều thú vị là ngoại trừ các thanh võng, đối với tất cả các thanh điệu khác, điểm cuối rất quan trọng, xác định thanh nào là thanh nào. Phạm cũng thảo luận về phạm vi của thanh điệu, ít nhất trong tiếng Việt và trong phương ngữ Bắc. Đó là vần chứ không phải là âm tiết, đỉnh âm tiết, hoặc mora. Mặc dù những kết quả này đã được trình bày nhiều năm rồi, cuốn sách vẫn còn là nơi bắt đầu lý tưởng cho bất cứ ai muốn bắt tay vào nghiên cứu thanh điệu. 
- GS Ronal Smyth, nhà Ngôn ngữ học Tâm lý, viện Đại học Toronto, Canada

Về tác giả

Giáo sư Andrea Hoa Pham sinh trưởng ở Đà Nẵng. Tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ học, viện Đại học Toronto, Canada năm 2001; là Post-doctoral fellow tại Đại học York, Canada năm 2001-2002. Từ năm 2002 đến nay nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hoá tại viện Đại học Florida, phụ trách chương trình Việt Nam học. Giải thưởng Giáo sư Tiêu biểu Đại học Florida năm 2021-2024.

Vài công trình chính gồm:

- Vietnamese Tone - a New Analysis, NXB Routledge, New York, 2003

- Hãy nhảy cùng em - Dance with me, tuyển tập thơ song ngữ của Andrea Hoa Pham và Lola Haskins, AHP dịch, NXB Đà Nẵng, 2018

- Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, NXB Đà Nẵng, 2022

Ngoài ra, GS Pham còn là tác giả của vài chục bài báo và chương sách nghiên cứu về ngữ âm-âm vị học tiếng Việt, biến đổi âm thanh, và ngôn ngữ học xã hội.

Cảm nhận từ độc giả

Sách cùng tác giả

Có thể bạn quan tâm

Mời bạn thảo luận hoặc đánh giá về sản phẩm này