𝐆𝐢𝐨̛́𝐢 𝐭𝐡𝐢𝐞̣̂𝐮 𝐏𝐢 𝟒.𝟐𝟎𝟐𝟐
“Toán học kết nối” là chủ đề của Ngày toán học quốc tế 14/3 năm nay. Các bài viết của Pi trong số này cũng góp phần thể hiện vai trò kết nối của toán học trong khoa học và cuộc sống.
“Tại sao hổ lại có vằn?”, chuyên mục 𝐓𝐢̀𝐦 𝐡𝐢𝐞̂̉𝐮 𝐤𝐡𝐨𝐚 𝐡𝐨̣𝐜 giới thiệu với bạn đọc một hành trình thú vị đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi có vẻ như đùa. Hóa ra, có những phương trình toán học mô tả nguyên tắc của Tự nhiên, tạo ra vằn trên lưng hổ hay văn hoa trên cá. Ý tưởng này được nhà toán học kiệt xuất A. Turing đưa ra năm 1952. Phải chờ thêm mấy thập kỷ, những nhà sinh học mới bị thuyết phục bởi ý tưởng này.
Chuyên mục 𝐓𝐨𝐚́𝐧 𝐡𝐨̣𝐜 𝐯𝐚̀ 𝐂𝐮𝐨̣̂𝐜 𝐬𝐨̂́𝐧𝐠 giới thiệu với bạn đọc Toán học trong máy chụp cắt lớp. Hóa ra chiếc máy chụp cắt lớp mà rất nhiều trong chúng ta đã từng biết lại hoạt động theo một nguyên lý toán học giống như cách mà các bạn giải trò “Sodoku sát thủ”. Giống như rất nhiều ứng dụng khác vào khoa học và cuộc sống, các ý tưởng toán học được phát minh ra trước và một ngày đẹp trời, có những ứng dụng không ngờ vào đời sống. Trang 2.
𝐋𝐢̣𝐜𝐡 𝐬𝐮̛̉ 𝐓𝐨𝐚́𝐧 𝐡𝐨̣𝐜 có bài viết về Thales – người đặt nền móng cho một ngàn năm toán học Hy Lạp. Toán học Ai Cập về cơ bản là tập hợp các công cụ và kỹ thuật được định hình để giải các bài toán thực tế. Dựa trên những nguyên liệu thô nhưng phong phú này của người Ai Cập, người Hy Lạp đã tái tạo lại thành các nguyên tắc chung, qua đó làm cho kiến thức toán học trở nên tổng quát và dễ hiểu hơn, đồng thời khám phá ra nhiều điều mới.
Dành cho các bạn học sinh nhỏ tuổi là nhiều bài viết và bài tập thú vị. Đặc biệt, chuyên mục 𝐓𝐨𝐚́𝐧 𝐭𝐢𝐞̂́𝐧𝐠 𝐀𝐧𝐡 giới thiệu những bài toán thách thức không chỉ năng lực tư duy mà cả trình độ tiếng Anh của các bạn. Trang 12.
Dành cho các bạn học sinh giỏi toán là những bài viết thú vị và bổ ích trong các chuyên mục 𝐇𝐨̣𝐜 𝐜𝐮̀𝐧𝐠 𝐏𝐢 (trang 34) và 𝐃𝐢𝐞̂̃𝐧 đ𝐚̀𝐧 𝐝𝐚̣𝐲 𝐯𝐚̀ 𝐡𝐨̣𝐜 𝐓𝐨𝐚́𝐧 (trang 38).
Mời các bạn cùng đón đọc!