Bàn về Cổ học tinh hoa của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân, tiến sĩ Mai Quốc Liên đã nói: “từ trong cái biển bao la của bách gia chư tử Trung Hoa xưa, hai cụ đã tìm lấy những hạt ngọc của văn chương, triết học và xâu thành một chuỗi ngọc đem hiến cho đời”.
Với 250 mẩu chuyện ngắn gọn súc tích cuốn sách đã mang “túi khôn” của người xưa để hậu thế cùng chiêm nghiệm. Cuốn Cổ học tinh hoa đã đem đến cho người đọc cách nhìn nhận cuộc sông, con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi từng lúc. Có thể nói đó là cuốn sách “dạy làm người”, là cái “túi khôn” rất cần thiết không chỉ cho xã hội lúc bây giờ mà cho cả hôm nay và mãi về sau.
Những bài ấy tuy là truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện tuy cổ, nhưng cái chân lí thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới. Nào hiếu đễ, nào trung tín, nào lễ nghĩa, nào liêm sỉ, đến cả những việc kì quái, sinh tử… (Tiểu tự, Cổ học tinh hoa).
Ôn cố tri tân. Đọc cũ biết mới. Cuốn sách là những đúc kết trí tuệ vượt thời gian, đầy tính thực tiễn trong xã hội hiện đại.