Tinh thần phản kháng ban sơ phát khởi từ một cỗi nguồn uyên viễn: tâm thức con người tử diệt nhìn ba ngõ bốn trời phiêu phiêu hốt hốt: Cõi thế vô thường, phong cảnh đẹp rung rinh, tấm thân phù du phận mõng cánh chuồn, chịu xiết bao bất công xô ùa về ngược đãi... Phản kháng có nghĩa là: không đành lòng chấp thuận sự ngổn ngang, tình huống nghiêng ngửa đó và cố gắng tái lập một cõi mộng thái hòa, một Rừng Tía, một Niết Bàn, một non nước Thiên Đường, một Lý Thái Cực, một Trường Thành bao bọc một tâm thức, một ngõ hạnh đón mời một bước chân, một Thang Mây in pha mùi hương Dĩ Thái, một Lưu Tồn trường tại đi dọc những Tòa Thiên Nhiên sẵn đúc, sẵn đầy, sẵn đủ, và sẵn sàng xiêu rụng giữa bình minh...
Tinh thần phản kháng long lanh đó thường phát hiện trong những vần thơ Việt Nam một cách ôn hòa và thăm thẳm. Mối ngậm ngùi được bao phủ bởi tiết điệu phơi phới nhược như ty:
"Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hát chơi
Khi gió sớm vào reo um khóm lá
Khi trăng khuya lên ũ mộng xanh trời
Chim ngậm suối đậu trên cành bịn rịn
Kêu tự nhiên, nào biết bởi sao ca
Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín
Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa
Hát vô ích thế mà chim vỡ cổ
Héo tim xanh cho quá độ tài tình
Ca ánh sáng bao lần giây máu đỏ
Rồi một ngày sa rụng giữa bình minh"
Tinh thần hoằng viễn muốn nói lên niềm bàng hoàng, và vẫn muốn che dấu bớt, không muốn xô ép nhân gian vào cõi eo óc bơ phờ. Homère, Khổng Tử, Thích Ca, xưa kia cùng chia một niềm bao dong đó, Nguyễn Du Nerval cũng vậy.
Nhưng về sau, tinh thần phản kháng vấp phải những gò đống, hố hang thê thảm quá, bỗng biến chất dần dần, mang nhiều sắc thái hỗn độn oái ăm. Tinh thần phản kháng quên bẵng hết cỗi nguồn, bỏ lạc mất căn cơ của uyên nguyên thiết vọng, và đành chịu làm miếng mồi mềm mại cho một loại Minotaure mới mẻ trong Mê Cung tân kỳ - tại đó Minotaure và Lago thỏa hiệp nhau để gây nên những đảo điên không lường.
Camus từ Phi Châu về Âu Châu, nhận thấy thảm kịch trầm trọng quá. Ông viết L' Étranger, Le Malentendu, Caligula, La Peste... Nhưng hiểm họa hoành sinh. Minotaure tài tình vồ nuốt hết, theo một phong thái đú đởn tân kỳ. Chúng ta, người Phương Đông, vòng tay học trò của chúng ta không đủ ôm lấy cái khối cân nặng khổng lồ, chúng ta định buông xuôi, bỏ trôi đi tuốt hết, mặc kệ cõi đời và đời cõi tha hồ đú đỡn chuyện thị phi:
- Không biết nữa Thiên Đường hay Địa Ngục
- Quên, quên, quên đã mang trái tim người
Thi sĩ ba lần nói quên quên quên, thì thiên hạ bốn lần bấn loạn sịch mành sực nhớ ra rằng: tinh thần phản kháng vốn xưa kia là có một uyên nguyên kỳ ảo.
Từ đó, khởi từ cái tiếng "quên" huyền diệu, từ cái lời "không biết nữa" thiết tha, trần gian bắt đầu cùng lá cây chiêm bao trở lại. Người đọc Camus đang định đọc sách với tâm thần gì? Để cho cái đọc phóng nhiệm tồn lưu đúng là cái quên trong phiêu bồng tồn lý?
Bùi Giáng