Chủ nghĩa thực chứng (Positivism) là một trường phái triết học lớn trong nền triết học phương Tây hiện đại, xuất hiện vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XIX do Auguste Comte sáng lập. Với tinh thần lấy khoa học tự nhiên thực chứng làm mẫu mực để cải biến và thúc đẩy phát triển xã hội, triết học thực chứng của Auguste Comte không chỉ mở đầu cho một trong những khuynh hướng chủ đạo của triết học phương Tây hiện đại mà còn tạo nên một bước ngoặt đánh dấu sự khởi đầu cho nền triết học phương Tây hiện đại. Ra đời trong giai đoạn giai cấp tư sản chiếm địa vị thống trị trong xã hội và cũng là lúc nền triết học truyền thống đang lầm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Auguste Comte công khai tuyên bố nhiệm vụ căn bản của triết học thực chứng và mọi khoa học thực chứng là phát hiện chính xác các quy luật của tự nhiên và xã hội để từ đó giải quyết những vấn đề tồn tại thúc đẩy tiến bộ xã hội. Triết học thực chứng của Auguste Comte mong muốn vượt qua các vấn đề "siêu hình" của cả chủ nghĩa duy tâm lẫn chủ nghĩa duy vật, bác bỏ việc nghiên cứu vấn đề cơ bản của triết học, nhất là về mặt bản thể luận, chủ trương "con đường thứ ba" trong triết học. Trong quá trình phát triển, chủ nghĩa thực chứng đã trải qua các hình thức tồn tại khác nhau có cả hạn chế lẫn tích cực, một mặt, biện hộ cho sự tồn tại hợp lý của xã hội tư sản, mặt khác khai mở những hướng đi mới, thúc đẩy tiến bộ xã hội mà thành quả của nó đã được thực tiễn chứng minh.