LỜI NGƯỜI DỊCH
Cuốn sách Trước nỗi đau của người khác được giới hàn lâm, các nhà nghiên cứu, và cộng đồng yêu nhiếp ảnh trên thế giới nhắc đến cùng với một cuốn sách khác cũng rất nổi tiếng của Susan Sontag, Về Nhiếp ảnh.
Dù hai cuốn sách được bà xuất bản cách nhau hơn hai thập kỉ, chúng luôn được giới chuyên môn và cả những người yêu nhiếp ảnh coi như một nền tảng quan trọng trong lí luận về nhiếp ảnh. Đến giờ, cả hai cuốn sách tiếp tục được trích dẫn và đưa ra tranh luận rất nhiều. Sở dĩ vậy, theo tôi một trong những lí do quan trọng là Susan Sontag đã vượt ra rất xa khỏi nhiếp ảnh để chạm đến những vấn đề nội tâm rất sâu của con người.
Trong và sau khi chuyển ngữ cuốn sách này, kể cả khi đọc lại nhiều lần bản dịch của chính mình, tôi luôn có cảm nhận mình không lột tả hết được ý nghĩa của những ý tưởng sâu sắc nhưng không dễ nắm bắt. Tôi có thể sẽ xem xét lại, chỉnh sửa nếu cần nhưng kết quả chưa chắc đã khá hơn vì tôi có một cảm nhận khác là chính Susan Sontag cũng không diễn tả hết được những suy nghĩ, những dằn vặt, những trăn trở của bà về nhiếp ảnh, về chiến tranh, về tác động tích cực cũng như tiêu cực của các hoạt động nhiếp ảnh đến việc chuyển tải các thông điệp về tội ác của chiến tranh, và cách thức con người nhìn nhận nỗi đau của người khác.
Cuốn sách bắt đầu, kết thúc, và xuyên suốt với chủ đề nhiếp ảnh nhưng dường như ép người đọc phải ngẫm nghĩ nghiêm cẩn hơn rất nhiều về chính mình. Mỗi chúng ta nghĩ gì về chiến tranh hay cụ thể hơn là các bên hay nguyên do trong chiến tranh, nghĩ gì về sự tàn bạo và các nạn nhân, nghĩ gì về đạo đức nghề nghiệp mà trong cuốn sách này là nhiếp ảnh, về vẻ đẹp trong đau khổ và mất mát, và còn rất nhiều chủ đề nội tâm khác.
Đọc và chuyển ngữ một cuốn sách về nhiếp ảnh mà trong đó không có một bức ảnh minh họa nào, tôi đã phải tìm lại từng bức ảnh, đọc thêm nhiều dẫn chứng về những bức ảnh, đoạn phim, cùng các sự kiện liên quan để cố gắng hiểu được tối đa thông điệp của tác giả. Susan Sontag nhiều lần dẫn chứng đến Chiến tranh Việt Nam như một mốc quan trọng của nhiếp ảnh và phóng sự truyền hình trong chiến tranh. Lần đầu tiên, với sự song hành của phóng sự truyền hình, nhiếp ảnh chiến tranh không thể được dàn dựng một cách chủ động. Ví như trong tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nick Ut, Chiến tranh Việt Nam được mô tả trần trụi như chính chủ đề: Chiến tranh và nỗi đau thực, không dàn dựng. Tôi đã học được thêm nhiều điều từ những sự kiện ngỡ như đã quá quen thuộc. Nhưng có lẽ bao trùm lên tất cả, tôi cảm thấy được sự trăn trở đến vật lộn nội tâm của bà dường như trải dài từ những năm 1977 trong tuyển tập Về Nhiếp ảnh đến 2003, sau 26 năm, trong cuốn sách này, với cùng chủ đề nhưng quan điểm có thể rất khác theo thời gian.
Cùng khoảng năm 2003, tôi tự mua được chiếc máy ảnh dùng phim nghiêm túc đầu tiên và cũng là chiếc cuối cùng vì ngay sau đó máy ảnh kĩ thuật số thống trị thế giới nhiếp ảnh. Dù ngắn ngủi nhưng tôi cũng đã trải nghiệm một chút không chỉ nhiếp ảnh phim truyền thống như một số độc giả đã từng biết, mà còn về một vài khía cạnh trong nhiếp ảnh như tính chân thực, chủ đề hay giá trị của chủ đề. Đến năm 2020, sau 13 năm, khi đọc cuốn sách về nhiếp ảnh này của Susan Sontag, cảm nhận về sự “hời hợt và dễ dãi trong suy nghĩ” (chứ không còn trong phạm vi của nhiếp ảnh) là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhất tôi có thể dành cho chính bản thân.
Tôi rất mong những độc giả quan tâm về chủ đề này dành đủ thời gian chiêm nghiệm thế giới riêng của Susan Sontag qua tác phẩm xuất bản cuối cùng này của bà.
Hà Nội, 2021