"Sự giàu và nghèo của các dân tộc" của sử gia David Landes (1924-2013) là tác phẩm kinh điển đã tuyệt bản tại thị trường Việt Nam.
Trên thế giới có khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng chưa đến 20% là các quốc gia phát triển. Theo báo cáo của Oxfam (2018), 26 người giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản bằng với tài sản của 3,8 tỷ người thuộc nhóm nghèo nhất. Người giàu ngày càng giàu lên, trong khi người nghèo lại càng nghèo thêm. Vậy tại sao khoảng cách giàu nghèo lại lớn như vậy? Đây chính là câu hỏi mà David Landes tìm cách giải đáp trong cuốn sách này.
Thách thức những quan điểm cũ, David Landes cho rằng tài nguyên thiên nhiên (gồm cả cảnh quan, nguồn nước, đất đai, khoáng chất, khí hậu) quan trọng nhưng không đủ, vị trí địa lý cũng không phải là định mệnh. Điều quan trọng nhất để làm nên cuộc Cách mạng công nghiệp ở từng quốc gia luôn phụ thuộc vào nền văn hóa là nền tảng cho xã hội và những giá trị được bảo tồn trong xã hội đó. Sự thịnh vượng mà thiếu đi những đặc điểm văn hóa phù hợp, chưa bao giờ ổn định và bền vững.
Toàn bộ cuốn sách gồm 29 chương là một tổng thể nhất quán, hấp dẫn người đọc, đồng thời từng chương của cuốn sách có thể được nghiên cứu một cách độc lập, với những bài học và kinh nghiệm riêng.