Chuyện Những Người An Nam Mưu Loạn Ở Paris
Luật sư - Tiến sĩ Phan Văn Trường (1876-1933) là một trí thức yêu nước và tiến bộ xuất sắc trong mấy thập niên đầu của thế kỷ XX. Tuy bị thực dân Pháp hai lần bắt giam ở Paris, nhiệt tình vì nước vì dân của ông vẫn luôn luôn sôi nổi.
Trong những năm ở Paris, ông cùng với Phan Châu Trinh và sau đó cùng với Nguyễn Ái Quốc sáng lập các tổ chức đầu tiên của Việt kiều trên đất Pháp – Hội Đồng bào thân ái và Nhóm những người An Nam yêu nước – mở ra truyền thống yêu nước của những người con xa xứ. Trước khi về nước (cuối năm 1923), ông viết xong cuốn hồi ký “Chuyện những người An Nam mưu loạn ở Paris hay Sự thật về Đông Dương” (Une histoire de conspirateurs annamites là Paris ou La vérité sur l'Indochine). Sau khi về Sài Gòn, ông có bổ sung đôi chỗ rồi công bố trên báo La Cloche Felée từ 30-111925 đến 15-3-1926. Bằng giọng văn hùng hồn và lập luận sắc bén – chúng ta không quên ông vốn là một luật sư tại Tòa thượng thẩm Paris – ông thuật lại những hoạt động trong 15 năm tại Pháp (từ cuối năm 1908 đến cuối năm 1923) qua đó phê phán mạnh mẽ chế độ thực dân áp bức của Pháp đối với người Việt sống trong nước cũng như Việt kiều ở Pháp. Vì vậy sau khi hồi ký được in thành sách ở Gia Định năm 1928, hai viên khám sứ Pháp ở Trung Kỳ và Cam-pu-chia đã ban hành nghị định “cấm du nhập, lưu hành, mua bán, phân phối và cất giữ” sách này trên hai xứ bảo hộ nói trên. Tại thuộc địa Nam Kỳ, Nha Mật thám Pháp ra chỉ thị cho các tỉnh phải “giám sát chặt chẽ và có biện pháp đàn áp kịp thời nếu sách được dịch sang chữ quốc ngữ”.
Nhận thấy cuốn hồi ký của Phan Văn Trường - cùng các sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” (Le Proces de la colonisation française) (1925) của Nguyễn Ái Quốc và “Nước Pháp ở Đông Dương” (La France en Indochine) (1925) của Nguyễn An Ninh - là những tài liệu lịch sử quý giá giúp cho người đọc hiểu biết phong trào yêu nước của người Việt Nam ở Pháp trong những thập niên đầu thế kỷ XX, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tổ chức dịch toàn văn 34 chương của tác phẩm của Phan Văn Trường.
Nguyên tác xuất bản khi đất nước còn là thuộc địa của Pháp, do đó tác giả không thể kể hết những hoạt động chống Pháp của mình, vì làm như thế chẳng khác nào cung cấp bằng chứng để nhà cầm quyền thực dân buộc tội ông. Người đọc sẽ thấy tác giả viết khá sơ lược về Hội Đồng bào thân ái do ông làm hội trưởng, và hoàn toàn không nhắc đến Nhóm những người An Nam yêu nước, đến việc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị quốc tế Versailles năm 1919, đến những hoạt động trong Hội Liên hiệp thuộc địa bên cạnh người bạn vong niên Nguyễn Ái Quốc... Hồi ký hoàn tất năm 1923 nên không thể đề cập tới những hoạt động yêu nước sôi nổi của ông - đặc biệt là trên lĩnh vực báo chí - trong 10 năm cuối đời (1924-1933). Vì vậy ở phần đầu cuốn sách mà bạn đọc đang có trong tay, chúng tôi xin giới thiệu khá cặn kẽ cuộc đời và những đóng góp của nhà trí thức họ Phan.
Mặt khác, hồi ký nhắc tới một số nhân vật và sự kiện cách này tròn một thế kỷ. Do đó, việc cung cấp các chú thích sẽ hữu ích cho người đọc thời nay. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học mong nhận được những ý kiến, nhận xét và phê bình của bạn đọc để giúp chúng tôi hoàn thiện bản dịch trong lần tái bản. Xin chân thành biết ơn.