Hải Quốc Từ Chương - Tùng Thư Văn Học Biển Đảo Việt Nam
Cuốn sách quý vị đang cầm trên tay là cuốn sách giới thiệu những di sản văn chương viết về biển đảo Việt Nam trong suốt nghìn năm lịch sử. Tổng tập này sưu tầm, biên dịch, hiệu khảo, chú thích gần 350 tác phẩm văn học Hán Nôm thời trung - cận đại và gần 100 tác phẩm văn học dân gian (ca dao, tục ngữ, hò, vè) viết về lịch sử, phong tục, tập quán, sản vật địa phương, hải sản và những suy tư, tâm tình, những lời ăn tiếng nói mang hơi thở của biển cả.
Trong khoảng vài chục năm trở lại đây, giới nghiên cứu sử học, văn hóa học, dân tộc học, folklore học đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc sưu tầm, điền dã, nghiên cứu các tư liệu viết về biển đảo Việt Nam, đặc biệt là những tư liệu viết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và nhóm tư liệu về thương mại biển. Thế nhưng, những công trình về văn học biển đảo còn tương đối ít, đặc biệt là văn học trung đại. Một số chùm thơ về biển đảo Quảng Ninh, cửa biển Bạch Đằng, cửa biển Thần Phù, các chùm thơ về Hà Tiên của nhóm Chiêu Anh Các dù đã được giới thiệu đây đó, song vẫn chưa đủ để tạo nên một diện mạo tổng quan về âm hưởng biển đảo trong thơ văn người xưa. Các công trình nghiên cứu về văn học biển đảo lại càng hiếm hoi hơn.
Để khắc phục những điểm khuyết thiếu về tư liệu văn học thời trung đại, cuốn sách này là một nỗ lực hệ thống hóa các tác phẩm văn học được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm phản ánh những tâm tư, tình cảm của người xưa về biển đảo Việt Nam. Cuốn sách sắp xếp các tác phẩm theo tuyến tính lịch sử từ triều Lý - Trần - Lê Sơ - Mạc - Lê trung hưng - Tây Sơn - Nguyễn đến đầu thế kỷ XX.
Cuốn sách này được hoàn thiện từ đề tài cơ sở do tác giả Trần Trọng Dương làm chủ nhiệm năm 2016, Viện Nghiên cứu Hán Nôm chủ trì. Sau sáu năm hoàn thiện, bổ sung, chú thích, hiệu chỉnh bản dịch và khảo cứu địa danh, đến nay cuốn sách được hoàn thiện với hơn 1000 trang.