"Ký ức không phai" là một tập hợp những câu chuyện chân thực, sống động của những người miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Họ là những cán bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, là những học sinh và nhiều người còn ở độ tuổi rất nhỏ hay còn trong bụng mẹ. Cuộc chia cắt Nam và Bắc, sự chia ly, sự khác biệt về tập quán sống không làm cản trở họ tham gia cuộc đấu tranh vì thống nhất và hòa bình cho Tổ quốc.
Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch TPHCM, cho biết từ khi bắt đầu có ý tưởng đến lúc cuốn sách ra đời chỉ vỏn vẹn chưa đến 3 tháng. Cuốn sách có nhiều câu chuyện xúc động lần đầu tiên được công bố như: Bài "Những bức thư của Đại Tướng Lê Đức Anh gửi cho con gái", đó là những bức thư gửi từ chiến trường Nam bộ khi đạn bom ác liệt, những bức thư từ Quân khu 9 Cần Thơ khi đất nước thống nhất. Những bức thư thấm đượm tình cảm của người cha là bộ đội dành cho con gái ở xa. Hay câu chuyện của cô giáo Lê Thúy Quyến, một người thân đặc biệt của học sinh miền Nam. Câu chuyện tìm má sau 21 năm xa cách của một cựu học sinh miền Nam Phan Trọng Nghĩa cũng lần đầu được kể lại một cách đầy cảm động…
"Lịch sử không chỉ là những trang chính sử do nhà nước ghi chép, mà còn là những câu chuyện đời thường của từng con người, từng gia đình. Chính những câu chuyện cụ thể, chân thực về số phận của mỗi người mới giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc những bài học lịch sử. Vì vậy, những câu chuyện chân thực như trong cuốn sách "Ký ức không phai" càng trở nên quý giá, giúp thế hệ trẻ hôm nay học hỏi và trân trọng lịch sử dân tộc", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ.