Julius Caesar thuộc hàng ngũ những nhà lãnh tụ quân sự và chính trị xuất sắc nhất của La Mã, là người đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của nhà nước Cộng hòa La Mã và sự trỗi dậy của Đế chế La Mã. Quan điểm chính trị của ông, tức chủ nghĩa Caesar, đã tạo ảnh hưởng đến nhiều chính trị gia sau này. Ông đã đưa ra nhiều cải cách quan trọng mà sau đó trở thành khung pháp lý tiêu chuẩn cho việc cai trị của Đế chế La Mã trong nhiều thế kỷ. Cái tên Caesar được xem là đồng nghĩa với “hoàng đế” trong suốt thời kỳ Đế chế La Mã tồn tại, gián tiếp hình thành nên nhiều biệt hiệu hiện đại như Kaiser (vua Đức, vua Áo) và Sa Hoàng (Czar).
Dựa trên các ghi chép của chính
Julius Caesar và nhiều sử gia thời cổ đại, tác giả
Philip Freeman đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện ly kỳ về chuyến phiêu lưu của Caesar từ lúc thanh niên chưa có quyền lực, trải qua nhiều cuộc chiến đấu gian khó ở cả lĩnh vực chính trị lẫn quân sự, cho đến lúc vươn lên chức quan chấp chính (tương đương với tổng thống thời nay) và sau đó là thống lĩnh tối cao (chức vụ chỉ được bầu ra khi quốc gia lâm vào những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất).
Cuốn sách cung cấp nhiều ví dụ về tài năng của Caesar như một chính trị gia sắc sảo, chiến lược gia dân túy, thiên tài quân sự, người lính dũng cảm, nhà lãnh đạo bẩm sinh nhưng cũng là một kẻ thù tàn nhẫn và một người phân biệt đối xử. Freeman đã đưa ra bối cảnh xã hội, chính trị và kinh tế rõ ràng cho các quyết định của Caesar, và giải thích rõ lý do đằng sau những cải cách đầy sáng tạo của ông như trao quyền công dân La Mã cho người dân các tỉnh thuộc địa xứng đáng (và giàu có), hay việc áp dụng dương lịch và năm nhuận mà vẫn còn được sử dụng đến tận ngày nay.