Đã bao giờ bạn đọc, hay được kể cho nghe, một câu chuyện -
mà người kể chuyện là Thần Chết chưa?
Kẻ trộm sách là một câu chuyện như thế.
Đây là câu chuyện về một kẻ trộm sách, những từ ngữ, một người chơi đàn xếp, vài gã người Đức cuồng tín, một tay đấm Do Thái, và khá nhiều vụ ăn trộm — và được kể bởi Thần Chết. Chỉ có vậy, nhưng câu chuyện về kẻ trộm sách đã làm rung động trái tim của hàng triệu triệu độc giả trên khắp hành tinh.
Kể câu chuyện về chiến tranh, hẳn không ai kể hay hơn Thần Chết (có lẽ đó cũng là lý do Thần Chết được chọn làm người kể chuyện). Xuyên suốt quyển sách này, hình ảnh cái chết và chiến tranh được nhắc lại nhiều lần. Và cuộc chiến tranh mà chúng ta đang nói đến ở đây là Thế chiến 2 - cuộc chiến mà mức độ tàn khốc của nó đã khiến chính bản thân Thần Chết cũng phải rùng mình. Zusak đã viết nên một câu chuyện đầy ắp những nỗi kinh hoàng, một cách chân thực và đầy sức mạnh. Nỗi kinh hoàng của chiến tranh trong Kẻ trộm sách không phải được thể hiện bằng chiến trường đẫm máu, hay những cỗ xe tăng súng đạn chết người, mà bằng quãng thời gian bốn năm của một cô bé tại một thị trấn nhỏ thuộc ngoại ô thành phố Munich, Đức. Với một phong cách dễ dàng đến khó tin trong bút pháp và khả năng tưởng tượng tuyệt vời, tác giả đã cho chúng ta thấy làm thế nào mà một đứa trẻ có thể sống sót qua một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của lịch sử nhân loại.
Kẻ trộm sách còn là câu chuyện về
sức mạnh của từ ngữ. Chính nhờ có từ ngữ mà Hitler đã gần như thống trị được cả thế giới, nhưng cũng chính nhờ từ ngữ mà cô bé Liesel mới thoát chết. Từ ngữ trong kẻ trộm sách được nhắc đến thường xuyên và khó nắm bắt cũng như những nốt nhạc của một bản giao hưởng vậy.
Hơn hết, câu chuyện của
Kẻ trộm sách là
câu chuyện của những xung đột. Đó là sự xung đột giữa cá nhân và xã hội: Hans Hubermann, một người Đức thuần chủng, giấu trong nhà mình Max Vandenburg, một người Do Thái sinh ra trên đất Đức nhưng bị chính quê hương mình ghẻ lạnh. Chính vì hành dộng này mà Hans đã phải sống trong sự dằn vặt, sợ hãi, vì xã hội ông đang sống không chấp nhận điều đó. Hoặc tinh vi hơn, sâu sắc hơn, là xung đột giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa của loài người. Ta có thể sẽ thấy lạnh sống lưng khi đọc những đoạn nói về sự tàn khốc của chiến tranh, sự man rợ của bọn phát xít, hay nỗi khôn khổ của những người Do Thái. Nhưng đồng thời, xuyên suốt quyển sách ta vẫn luôn thấy ấm lòng nhờ những nghĩa cử cao đẹp và thắm đượm tình người.
Một yếu tố không thể bỏ qua đã làm nên thành công của
Kẻ trộm sách chính là
tài năng khắc họa nhân vật của Zusak. Ngòi bút của ông đã thổi một luồng sinh khí vô cùng mạnh mẽ vào từng nhân vật, khiến cho họ - tuy chỉ được biết đến qua những con chữ trên mặt giấy — vẫn sống động và đầy cá tính, vẫn khiến người dọc phải đau nỗi đau của họ, vui niềm vui của họ, và hồi hộp theo dõi câu chuyện cuộc đời họ cho đến tận trang sách cuối cùng.
Hy vọng thông điệp đầy sức mạnh và tính nhân văn sâu sắc của
Kẻ trộm sách sẽ được người đọc thấu hiểu và đón nhận một cách nguyên vẹn, dẫu là thông qua bản dịch hẳn còn nhiều khiếm khuyết này.
Việt Khương