Hai nhà sinh học khổng lồ của thế kỷ 19, rất trùng hợp, cùng sinh năm 1822, cùng nêu lên những định luật ĐẦU TIÊN của sinh học, cùng châm ngòi cho cuộc cách mạng sinh học và y khoa từ giữa thế kỷ 19 cho tới nay… Kỳ diệu hơn nữa, Định luật Tạo Sinh do Pasteur khám phá và Định luật Mendel về Di truyền, mặc dù hoàn toàn độc lập, nhưng cùng gợi ý cho thấy sự sống chứa đựng một bí mật vượt quá phạm vi của các khoa học động lực học như vật lý và hóa học. Ngày nay chúng ta biết bí mật đó là thông tin của sự sống: mã DNA!
Rất khó để có thể tóm tắt công lao vĩ đại của hai nhà sinh học khổng lồ này trong một đánh giá ngắn gọn nhưng hy vọng với cuốn sách, độc giả sẽ tìm thấy đầy đủ những giá trị đó.
Năm 2022 là kỷ niệm tròn 200 năm ngày sinh của hai trong số những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại: Louis Pasteur và Gregor Mendel!
…
Louis Pasteur (27/12/1822 - 28/09/1895)
Louis Pasteur chào đời ngày 27/12/1822 tại Dole, thuộc Jura, một tỉnh của Pháp giáp Thụy Sĩ, là con thứ ba trong một gia đình Công giáo. Cha của Pasteur là Jean-joseph Pasteur, một người làm nghề thuộc da, từng là trung sĩ trong quân đội của Napoléon, từng được thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Mẹ là bà Jeanne-Estiennette Roqui, một người đàn bà nền nếp chu đáo trong công việc gia đình. Mặc dù học vấn không cao nhưng cha mẹ Pasteur luôn hết lòng chăm lo con cái, đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, và cố gắng cho con cái được hưởng một nền giáo dục đầy đủ hơn mình. Dẫu vậy, ông Jean-joseph chỉ dám mơ ước con trai sẽ trở thành một giáo viên trường trung học địa phương. Nhưng cậu bé Louis đã trở thành một người con ưu tú bậc nhất của nước Pháp và thế giới…
Đại dịch Covid-19 toàn cầu từ cuối năm 2019 đã làm rất nhiều người lo lắng, sợ hãi, mong từng ngày từng giờ có vaccine, nhưng khi có vaccine họ chỉ biết cảm ơn những công ty chế tạo ra vaccine mà không cần biết khoa học vaccine từ đâu mà ra. Tình trạng “quên lịch sử” như thế là phổ biến, đến nỗi Viện Pasteur ở Paris đã phải lên tiếng nhắc nhở trong một bài báo nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Louis Pasteur tại Pháp, để lưu ý công chúng về vai trò của những công trình nghiên cứu của Pasteur trong thời đại ngày nay:
“Dù nổi tiếng với vaccine phòng bệnh dại - thứ đã mang lại cho ông danh hiệu “ân nhân của nhân loại” - nhưng bề dày thành tựu khoa học của Pasteur lại ít được biết đến, trong khi trên thực tế, những thành tựu ấy vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, đến việc nghiên cứu và đến y khoa”.[1]
Quả thật hầu như ai cũng nghe danh Pasteur, nhưng số người biết rõ ý nghĩa của những thành tựu khoa học của ông lại không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. Cuốn sách này hy vọng sẽ góp phần bù lấp thiếu sót đó.
…
Gregor Mendel (20/07/1822 - 06/01/1884)
Gregor Johann Mendel sinh ngày 20/07/1822 tại Brno, một thành phố thuộc Áo, nay thuộc Cộng hòa Czech. Khác với Pasteur (người có quá nhiều khám phá phát minh), Mendel, một linh mục Công giáo thuộc Dòng Augustine, chỉ có một khám phá duy nhất mà ngày nay được gọi là các Định luật Mendel về Di truyền. Công trình này được ông trình bày lần đầu tiên vào năm 1865 trước Hội Nghiên cứu Khoa học Tự nhiên ở Brno (Brno Society of Natural Science Study), và năm sau, 1866, được công bố chính thức trên tạp chí của hội này dưới một tên gọi rất giản dị là “Thí nghiệm lai tạo cây trồng” (Versuche über Pflanzenhybriden). Nhưng công trình duy nhất và khiêm tốn ấy, chỉ gói gọn trong 44 trang giấy, sau 34 năm chìm trong bóng tối, đã được tái khám phá vào đầu thế kỷ 20, lập tức đưa tên tuổi Mendel lên hàng những danh nhân khoa học bậc nhất mọi thời đại. Tại sao vậy?
Vì nó đặt nền móng cho Di truyền học hiện đại, mở đường cho những nghiên cứu về những bí mật vi diệu nằm sâu bên trong sự sống - những nghiên cứu mũi nhọn của sinh học hiện đại kéo dài suốt hơn 150 năm qua. Tác giả của cuốn sách này, với niềm say mê khoa học về sự sống, đã bị cuốn theo dòng chảy nghiên cứu đó. Càng nghiên cứu càng nhận ra rằng không dễ dàng để có một hiểu biết sâu sắc về di truyền học. Nó đòi hỏi phải tiếp thu một dây chuyền tri thức về cấu trúc và hoạt động của tế bào, về sinh học phân tử, thậm chí cả một số tri thức về các quá trình vật lý lượng tử… Chính dây chuyền đó cho thấy thiên tài của Gregor Mendel, bởi không có định luật di truyền do ông khám phá sẽ không có tất cả những tri thức đáng kinh ngạc về sự sống như ta biết hiện nay. Chính điều đó khuyến khích tác giả cuốn sách này nỗ lực trình bày về Mendel và công trình của ông sao cho độc giả có một cái nhìn tổng quan về sự sống nhưng không hời hợt. Nhiều kiến thức trong cuốn sách này đòi hỏi một sự trầm tư để nhìn sâu vào bản chất bên trong sự sống, từ đó người đọc có thể tự khám phá ra những điều bất ngờ, liên quan đến câu hỏi khó nhất nhưng cũng lý thú nhất: “Bản chất sự sống là gì?”.