VIÊN NGỌC TRAI VỠ VỎ là tiểu thuyết đầu tay của nữ tác giả Nadie Hashimi. Cha và mẹ Hashimi sinh ra và lớn lên tại Afghanistan vào cái thời kỳ mà như bà mô tả: một Afghan rất khác với Afghan người ta thấy ngày nay, một Afghan có những người phụ nữ diện các bộ cánh Âu châu nơi thủ đô chứ không phải Afghan dưới thời Taliban và những tấm burqa. Chồng Hashimi sinh tại Afghanistan, ông là con một tướng lĩnh quân đội thời Xô Viết vẫn kiểm soát đất nước; cha ông đã vận dụng mọi mối quan hệ để đưa gia đình sang Mỹ. Người đọc rồi sẽ thoáng bắt gặp những chi tiết này về cuộc đời và về đất nước Afghan của tác giả trong VIÊN NGỌC TRAI VỠ VỎ – một câu chuyện mà theo lời bà chia sẻ:
"Đây là câu chuyện tôi buộc phải kể. (…) Tôi viết câu chuyện này để chia sẻ về cuộc đời những người phụ nữ Afghan, chia sẻ chúng dưới dạng một tác phẩm hư cấu được gây dựng trên nền móng của hàng nghìn viên gạch sự thật."
Tác phẩm kể câu chuyện của hai người phụ nữ sống vào hai giai đoạn lịch sử của xã hội Afghan. Một người là Shekiba, vào thế kỷ 20: cô gái bị huỷ hoại một nửa khuôn mặt, cô gái với cái tên có nghĩa là “món quà” và hệt như cái tên, cô bị trao đi đổi lại trên tay biết bao người. Cha mẹ, anh chị em đều qua đời, Shekiba bị bà nội mang ra gán nợ, sau đó lại bị chủ nợ biến thành lễ vật dâng lên nhà vua và trở thành một người lính gác nửa nữ-nửa nam.
Một người là Rahima, vào thế kỷ 21: cô bé sinh ra trong gia đình năm chị em gái, cô bé có người cha nghiện ngập và người mẹ bất lực bị gia đình chồng khinh rẻ vì không sinh được cho chồng dù chỉ một đứa con trai. Rahima phải thực hiện cái tập tục mà rất nhiều gia đình Afghan không-con-trai thực hiện: làm một bacha posh, tức là bé gái giả trai. Khi 12 tuổi, Rahima quay trở về thân phận của mình và bị gả cho một thủ lĩnh quân địa phương tuổi đã ngoài tứ tuần. Mười hai tuổi, Rahima trở thành đàn bà và bị chà đạp dưới gót giày của chồng, của mẹ chồng, của những bà vợ khác nơi nhà chồng…
Lối thoát nào dành cho Rahima?
Đó là khi được nghe về câu chuyện cụ cố Shekiba không chấp nhận để cuộc đời của mình bị an bài bởi nasseb – số phận, Rahima học được rằng, giống như cụ cố Shekiba, cô cũng là một viên ngọc trai bị ép chặt trong lớp vỏ cứng và nếu cô muốn sống một cuộc đời tốt hơn, cô phải tự mình phá vỡ lớp vỏ ấy mà thoát ra ngoài.
Cuốn tiểu thuyết, đứng từ góc nhìn của hai người phụ nữ, lột tả sâu sắc và trần trụi những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần mà nhiều thế hệ phụ nữ Afghan phải chịu đựng: những lằn roi, những lời nhục mạ, cách đối xử mang nặng thành kiến… Người đọc không khỏi kinh ngạc và xót xa trước những tư tưởng nặng nề đã ăn sâu bén rễ trong lòng Afghan cùng bao hệ quả mà những tư tưởng ấy mang lại.