Việt Nam - Lãnh Thổ Và Các Vùng Địa Lý
Việt Nam nhìn trên bản đồ giống như hình chữ “S” rộng trên 330.900 km2, nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương, tựa lưng vững chắc vào lục địa châu Á mênh mông về phía Tây-Bắc và nhìn ra Thái Bình Dương với chiều dài bờ biển trên 3000 km về phía Đông-Nam.
Việt Nam ở về phía bắc bán cầu, nằm trọn vẹn trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa, có nhiều tiềm năng thiên nhiên, nhưng cũng luôn luôn phải “đón nhận” những tai hoạ của “Thượng đế” – bão tổ, lụt lội – với cường độ vào loại nhất nhì thế giới.
Một đất nước không rộng lớn, nhưng có tới 54 dân tộc, với 54 nền văn hóa độc đáo, tạo nên một nền văn hóa phong phú và đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Là một đất nước có mấy ngàn năm lịch sử, đã phải chịu khoảng hai mươi cuộc chiến tranh xâm lược lớn của các thế lực phong kiến bành trướng và đế quốc, và trên một ngàn năm bị ngoại bang đô hộ. Có xâm lược là có chống xâm lược. Chính vì lẽ đó mà lịch sử Việt Nam là lịch sử chống xâm lược và chinh phục thiên nhiên để xây dựng đất nước.
Năm 1975, Việt Nam đã được hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, nhân dân Việt Nam bắt tay vào việc xây dựng lại đất nước sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá.
Từ năm 1986, Việt Nam đi theo đường lối đổi mới và mở cửa nền kinh tế, đã đánh thức tiềm năng về nhân lực và tự nhiên của đất nước, kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn với Việt Nam.
Để độc giả có được những hiểu biết cần thiết về đất nước và con người, những tiềm năng thiên nhiên và nhân lực Việt Nam, HanoiBooks đã cho xuất bản lại cuốn “Việt Nam – Lãnh thổ và các vùng địa lý” của cố giáo sư địa lý Lê Bá Thảo.
Vì đây là một công trình khoa học được viết trong một thời gian dài, cũng như đã diễn ra khá lâu, nên nhiều số liệu chưa cập nhật được. Song để bảo đảm tính toàn vẹn của tác phẩm, chúng tôi giữ nguyên nội dung của tác phẩm đã từng xuất bản năm 1998. Rất mong nhận được sự góp ý kiến để lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn.