Khi nghiên cứu về các sáng tác văn xuôi bằng chữ Hán của các nhà văn Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX không thể không nhắc đến Vũ Trinh (1759-1828).
Là người quê vùng Kinh Bắc, được sinh ra trong gia đình Nho học và quan lại. Sau khi đỗ Hương tiến làm tri Phủ Quốc Oai, năm 1787 ông được Lê Chiêu Thống mời vào triều. Rồi biến cố dồn dập đến: Nguyễn Huệ từ trong Nam ra dẹp Trịnh. Chính sự Bắc Hà không yên, Kinh thành náo loạn, Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh. Cha con Vũ Trinh dốc hết sản nghiệp phò Lê nhưng bất thành. Triều Tây Sơn chấm dứt. Vũ Trinh làm quan cho Gia Long được cử đi sứ Trung Quốc. Sau vụ bênh con trai Nguyễn Văn Thành - tổng trấn Bắc Hà có thơ phản nghịch, Vũ Trinh bị bắt đi đày ở Quảng Nam 12 năm, sau được tha, mất lúc ông 70 tuổi.
Xét về chính trị, ông là người trung quân, phò Lê dẫu tập đoàn Lê - Trịnh đã vào thời mạt. Cũng như bao nho sĩ trẻ tuổi cùng thời như Nguyễn Du (1765-1820), Nguyễn Án (1770-1815), Phạm Đình Hổ (1768-1839)... Vũ Trinh cũng bị cuốn vào dòng thời cuộc với tâm trạng: "Một phen thay đổi sơn hà. Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu".
Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Số phận long đong của họ, từ dòng dõi thế gia vọng tộc (Nguyễn Du), hoặc gia đình phong kiến, khoa bảng (Nguyễn Án, Phạm Đình Hổ) họ rời chôn kinh thành, bị đẩy vào cuộc sống của thứ dân, để ngày nay chúng ta có Truyện Kiều, Vũ trung tuỳ bút, Tang thương ngẫu lục, Lan Trì kiến văn lục... Với những câu chuyện thật, hoặc hư cấu, phản ánh một cách sinh động thời cuộc bể dâu và nỗi đau đớn của con người trước hưng vong của lịch sử.
Vũ Trinh viết Lan Trì Kiến Văn Lục (chép những chuyện nghe và thấy của Lan Trì) vào thời gian ông ẩn nhẫn ở Hồ Sơn (Nam Định). Khoảng những năm 1793-1794 cuối đời Tây Sơn, đầu đời Gia Long. Những điều thấy và nghe (kiến văn) khi làm quan ở triều, khi lánh nạn, tiếp xúc với bao người, những chuyện nơi đồng quê, ngõ chợ, kết hợp với những điều trong sách vở thánh hiền đã được Vũ Trinh ghi lại một cách chân thực và nghệ thuật. Sáng tác của ông nói đến nhiều việc, nhiều chuyện, lúc thật lúc ảo, nhưng hầu hết đều ngụ ý sâu xa như một nỗi niềm tâm sự, khao khát cuộc sống yên bình. Nó là tấm gương phản chiếu không tô vẽ. Ông đã làm cái việc thực thi sứ mạng mà nếu không có sách ghi của một thời thì trăm ngàn năm sau còn ai biết đuổi theo mây gió, đi tìm hỏi người xưa ở trăm ngàn năm về trước.
Lan Trì Kiến Văn Lục xứng đáng góp mặt trong tủ sách Cảo Thơm Trước Đèn, nơi hội tụ những sáng tác, biên khảo xuất sắc của các trí thức, quan lại, nhà văn không chuyên Việt Nam thời phong kiến.