Thi sĩ, Họa sĩ, và Triết gia Kahlil Gibran, người gốc Li-băng (Lebanon), qua đời lúc 48 tuổi, để lại đằng sau một hình bóng sáng chói bất tử nhưng gây nhiều tranh cãi. Ông có quả thật là một ngôn sứ, một nhà sáng tạo đơn thuần đam mê, một con người cao thượng, sống đồng nhất với lời mình phát biểu, hay chỉ là kẻ đầy ray rứt vì nhớ quê hương khi phải sống lưu vong nơi xứ người như ông bày tỏ trong cuốn Hoài vọng phương Đông này, và đồng thời là kẻ bị dằn vặt giữa sứ mệnh cao thượng và bản thân tục lụy như ông từng than thở với người bạn thân tín, triết gia A Rập M. Naimy rằng “Tôi là chuông báo thức giả”?
Cái chết trong suy kiệt sức khoẻ của ông do bệnh sử gia đình, di căn tai nạn thời thơ ấu hay hậu quả tâm thần của tình trạng không thể hòa giải giữa lý tưởng và thực tế của thân phận con người. Đặc biệt, thân phận lưỡng nan ấy hành hạ ông gấp bội khi nó trở thành xung lực trong cuộc hành trình của một nghệ sĩ ngôn sứ mà ông tự đặt ra cho mình, và nỗ lực thể hiện bằng tất cả sinh lực cùng năng lực của mình?
Câu hỏi ấy thường được người viết tiểu sử Gibran đặt ra cho công trình của họ. Người sưu khảo bắt gặp trong kho tàng thông tin phong phú về cuộc đời Gibran những chi tiết cần làm sáng tỏ. Sở dĩ có tình trạng đó hẳn vì ba lý do. Một là thói quen của người đời thích bí nhiệm hóa vĩ nhân. Hai là những kẻ quen biết ông bị lệ thuộc vào vai trò, thời điểm, lãnh vực sinh hoạt, v.v. khi tiếp cận ông, rồi kể lại theo tính chủ quan của mỗi người. Ba là chính bản thân ông cũng vô tình hay hữu ý, bị ám ảnh hay do mặc cảm, đóng góp ít nhiều vào việc tạo huyền thoại cho thân thế mình. Đây không là cá biệt của Gibran mà có tính phổ biến đối với khá nhiều danh nhân khác, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ, đạo sư, chính khách.
Trong 80 năm kể từ ngày Kahlil Gibran từ trần, đã xuất hiện nhiều tài liệu liên quan tới tiểu sử của ông. Bên cạnh cuốn Người này đến từ Li-băng (This Man From Lebanon, 1945) của B. Young với nội dung thần thánh hóa Gibran, còn có hàng chục cuốn khác, tiêu biểu là của M. Naimy (1950), s. Bushrui và Jể Jenkins (1998), R. Waterfield (1998) và nhất là của hai vợ chồng người cháu ông là Jean Gibran và Kahlil Gibran (1981), đã cung cấp những chi tiết mà người đọc khi đốì chiếu chúng, sẽ có cái nhìn tưởng đối chính xác về con người Kahlil Gibran. Cách riêng cuốn Ngổn sứ yêu dấu (Beloved Prophet, 1972) được Virginia Hilu biên tuyển từ thư từ trao đổi và nhật ký giữa Kahlil Gibran cùng Mary Haskell trong suốt 23 năm.
Gần 50 lá thư của Gibran, viết bằng tiếng A Rập rải rác từ năm 1902 tới năm 1930 cho thân phụ, các văn hữu, người yêu, v.v. do Anthony R. Ferris biên tập và dịch sang tiếng Anh, làm thành cuốn Hoài vọng phương Đông (K. Gibran, A Self-Portrait — Chân dung tự họa, 1959) này sẽ cho ta nghe tiếng nói của chính ông — nhân vật chính và nguồn mạch của mọi thông tin - với cơn khát khôn nguôi được quay về quê hương phương Đông của mình.
Người đọc cũng sẽ thấy giữa những dòng chữ tâm tình ấy lóng lánh tâm trạng của một thi sĩ ngôn sứ, kẻ nỗ lực vươn lên trên các cảnh đời riêng tư để có khả năng trải lòng cho người đời. Và qua đó, ta càng thấm thìa bức thông điệp về Tình yêu, về Chân Thiện Mỹ, về thiêng liêng tính và thượng đế tính của con người mà ông muốn, bằng mọi cách, truyền đạt cho trần thế.
Ngoài ra, chúng tôi còn thêm vào cuốn này phần Phụ lục gồm hai bài viết về quan niệm tình yêu, hôn nhân và hội họa của Gibran. Kế đó là Thư mục các sách chúng tôi dịch của Gibran, và đặc biệt bản Tiểu sử sơ lược Gibran được chúng tôi soạn riêng cho mỗi cuốn, mà khi kết hợp mười mấy bản đó lại, người đọc sẽ có một tổng quan về con người ông.
Nguyễn Ước