TỰA
Về tôn giáo, triết lí, văn chương và mĩ thuật Đông, Tây không hơn kém nhau nhiều: họ có cái rực rỡ, cái mới lạ của họ thì ta cũng có cái thâm trầm, cái duyên kín của ta. Nhưng về khoa học thì ta kém họ cả ngàn bực.
Sau non một thế kỉ Âu hóa, về phương diện đó ta chưa tiến được mấy. Ta mới có được lớp son khoa học: một mớ bằng cấp, ít chục cái xưởng: còn cái chất khoa học, tức là tinh thần khoa học thì ta gần như hoàn toàn còn thiếu.
Phần đông trí thức nước ta, đừng nói chi tới quần chúng, vẫn còn tật hàm hồ: ai nói sao tin ngay làm vậy, không biết chút chi cũng bình phẩm, và làm việc thì không có phương pháp, chương trình, gặp đâu làm đấy, người làm sao, ta bắt chước làm vậy.
Óc hàm hồ đó, sự thiếu tinh thần khoa học đó, có cái hại lớn là luôn luôn trói ta ở địa vị nô lệ, theo gót người, chứ không bao giờ đuổi kịp người, hầu góp sức vào việc phát huy văn hóa của nhân loại.
Nhưng cái hại ngay trước mắt là sự kiến thiết quốc gia chậm chạp, khó có kết quả khả quan. Nước ta đã bị tàn phá rất nhiều - và sẽ còn bị tàn phá tới đâu nữa! - dân số ta ít, năng lực sản xuất của ta lại kém (vì ta ốm yếu, khí hậu của ta nóng quá), chỉ trông vào bầu nhiệt huyết của đồng bào không đủ. Phải làm sao cho một số đông những người gánh nhiệm vụ kiến thiết quốc gia có được tinh thần khoa học, lãnh hội được phương pháp tổ chức công việc theo khoa học cứa Âu, Mĩ thì mới mong có nhiều hiệu quả được.
Vì tôi trộm nghĩ vậy, nên tuy tự biết mình còn kém mà cũng không dám không đem một vài điều đã học được về phươngpháp đó trình bày trong tập sách nhỏ này. Bảo là đế kiến thiết quốc gia thì không dám, nhưng đem nhiệt huyết gợi một vấn đề để cho những ai có nhiệm vụ kiến thiết, suy nghĩ, chiêm nghiệm, khảo cứu thêm thì đó chính là mục đích của tôi.
Những điều học được tất nhiên là ít; trong những điều đó, lại tất nhiên có những điều chưa hiểu rõ, vì vậy tôi rất mong ở tấm lòng đại lượng của độc giả để được tha thứ trong những chỗ sơ sót và chỉ bảo trong những chỗ sai lầm.