Tập bút ký mới ra mắt của nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Tường Bách - tác giả của Mùi hương trầm, Mộng đời bất tuyệt... - chính là tiếp tục những ghi chép về các chuyến hành hương qua nhiều vùng, nhiều quốc gia, nhiều nhất là các thắng tích Phật giáo.
Ðọc văn, cứ tin rằng Nguyễn Tường Bách không chủ ý ghi chép chi li những chuyến đi kỳ thú và lắm khi đặc biệt hiếm có để làm tư liệu. Nhưng chính tâm hồn nhạy cảm cộng với nền tảng thông tin được chuẩn bị tốt đến mức những trang viết ngọt ngào, dịu dàng, có khi bay bướm rất thơ kia lại còn giữ một hàm lượng tư liệu đáng kể.
Hơn phân nửa tập sách là bút ký ghi lại cuộc hành hương chiêm bái núi Kailash (Tây Tạng) ở độ cao trên 5.000m do tác giả và 21 người Việt Nam cùng tổ chức đi vào tháng 8-2011. Do vậy, tập bút ký vừa mang tính thời sự vừa ướp đậm những trải nghiệm tâm linh với nét nhìn tinh tế trong mỗi sự vật. Như cách Nguyễn Tường Bách chỉ thông qua một chuyến bay từ Dubai đi Nepal đã nói về lịch sử và cảm nghiệm đối với bốn con sông linh thiêng xuất phát từ Kailash.
Ðọc Ðường xa nắng mới, thấy dường như trong mỗi bước đi của hành trình du lịch hành hương, tác giả luôn tìm được điểm nối với mạch ngầm tâm linh có từ sâu thẳm trong lịch sử, để cảm nhận chuyến đi hôm nay cũng chính là một chuyến trở về với nguồn cội thiêng liêng trong tâm tưởng.
Gandhara với mọi người có thể là một vùng đất bình thường, nhưng theo chân Nguyễn Tường Bách lại biết nơi đây chính là chỗ khởi đầu của nghệ thuật đồ tượng Phật giáo, là điểm khởi nguyên của việc tạc tượng Phật theo dáng người. Hay như đặt chân lên đất Tạng, ông nhẩn nha nhớ lại những dòng truyền thừa Phật giáo cũng từng đặt chân lên đây, vào một thời điểm xa xưa trong quá khứ.
Cứ như thế, những mạch nguồn tâm linh, những bài học lịch sử tuôn trào thành một dạng ký sự đặc biệt của Nguyễn Tường Bách. Ðối diện trước những phiền toái như các thủ tục cửa khẩu, những đổi thay tiêu cực của từng vùng đất, từng cộng đồng cư dân, các biểu hiện xa rời đạo pháp đập vào mắt một đoàn hành hương..., phải là một hành giả đủ điềm tĩnh và sáng suốt mới nhận ra dòng chảy thú vị của tâm linh vẫn còn ẩn tàng đây đó.
Cho nên theo dõi hành trình vượt Hi Mã Lạp Sơn từ Nepal để đến núi Kailash của ông và đoàn người Việt Nam, vừa như chứng kiến khung cảnh hùng hiểm, vừa như được gợi lại những bước chân hành giả xưa nay từng đi trên con đường đó, vừa cảm nhận những ưu tư rất thời sự cũng đồng thời diễn ra trên cung đường này.
Lam Điền