Xã hội của chúng ta phát triển được là nhờ lối sống tái sử dụng và tái chế ngay từ những ngày đầu lập nước và những cuộc chiến tranh thế giới tới một xã hội đề cao sự tiện lợi và chủ nghĩa tiêu dùng trong những năm hậu chiến, và kết quả là rất nhiều rác thải – vỏ lon, vỏ chai, túi nhựa, v.v.. Nhưng nhiều năm nay, xu hướng đã nghiêng về phía có ý thức hơn. Hiện nay, phong trào chính trị và xã hội cổ súy lối sống “không rác” chắc chắn đã sát cánh cùng chúng ta, như đã thấy trên các tạp chí, sách vở và các cuộc tranh luận chính trị – chưa nói đến việc nhiều người đang âm thầm sống theo phương châm đó. Những ngày này, một số người đã tuân thủ rất tốt nguyên tắc sống không rác tới mức một năm họ thải ra không quá một bao rác.
Hầu hết chúng ta không nhất thiết phải làm và làm được y như thế. Nhưng chúng ta có thể nhìn lại cuộc sống hằng ngày của mình và tìm xem mình có thể tái chế, tái sử dụng… và thậm chí tái trồng cái gì hay không – tái trồng, chính là chủ đề của cuốn sách này.
Một khi bạn đã bắt đầu, sống theo kiểu ít hoặc không rác gần như có thể trở thành một trò chơi, nhưng trò chơi này đem đến kết quả hữu hình. Càng ngày, người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi càng bước sâu vào lối sống không rác vì nhiều lý do và quan điểm cá nhân khác nhau. Một số vì thái độ sống “xanh” và cảm thấy cần thiết phải bảo vệ hành tinh này, trong khi có những người thấy vấn đề tự cung tự cấp là điều cấp bách và muốn có thể sống tốt trong bất cứ tình huống nào.
Dù động cơ là gì thì những người muốn sống một đời không rác này đều có rất nhiều cách thực tế để bắt đầu.
LỐI SỐNG KHÔNG RÁC
Những người sống không rác luôn tìm cách cắt giảm rác thải, tiết kiệm nước và làm xanh sạch ngôi nhà và mảnh vườn của mình. Và có không ít cách để thực hiện điều đó. Trước hết, khi bạn đi mua đồ, hãy tìm những món mà đồ đựng có thể tái chế hoặc tái sử dụng. Nếu có thể, hãy mua sỉ và chọn sản phẩm nào không được đóng gói. Hãy đổ rác từ sân vườn (lá rụng, cành cây, cỏ, lá cỏ xén) vào hố để làm phân hữu cơ hoặc đưa vào chương trình thu gom rác phân hủy sinh học của thành phố. Chỉ cần để ý một chút thôi, bạn sẽ thấy có rất nhiều cách đơn giản để bảo quản và tái sử dụng nước, góp phần rất lớn vào việc tiết kiệm tài nguyên môi trường. Hãy đặt thùng đựng nước dưới ống dẫn nước mưa trên mái nhà để tưới cây trồng trong chậu, khay. Luôn có một xô khoảng 20 lít dưới mỗi vòi hoa sen trong nhà tắm để trữ nước lạnh lúc đầu bạn mở vòi trước khi nước nóng lên. Bạn có thể sử dụng nước đó để tưới cho cây trồng trong nhà. Sau khi đã trụng mỳ Ý và rau, giữ nước đó lại, để nguội dùng làm nước tưới cây bên ngoài.
Chúng ta thường xem làm vườn là hành động “xanh”, nhưng thực ra nó cũng có thể thải ra khá nhiều rác: cây trồng mới trong các chậu nhựa, trấu công nghiệp phủ đất và phân bón cũng đều là một nguồn rác thải. Xuất phát điểm cho việc làm vườn không rác là tái sử dụng tất cả sinh khối (cành lá rụng, lá cỏ cắt xén) trong vườn. Từ cành khô đến cỏ xén, cỏ nhổ, tới những thứ rác phân hủy từ vụ tổng vệ sinh vườn tược năm ngoái, vườn của bạn đã sinh ra nhiều vật chất hữu cơ. Thay vì đổ những thứ đó vào thùng rác, hãy chặt nhỏ chúng ra làm trấu, hoặc dựng một đống phân hữu cơ để bón đất.
Thay vì năm nào cũng mua cây mới trồng trong chậu nhựa, hãy học cách gieo chính những hạt giống mà mình có. Hãy tham gia các chương trình đổi cây, ở đó, mọi người mang cây đến và đổi cho nhau. Chậu cũ, cốc sữa chua, và cả hộp đựng thức ăn hiệu Tupperware bị mất nắp, tất cả đều là những lựa chọn tuyệt vời để chia sẻ cây trồng. Trước khi vứt mọi thứ đi, hãy nghĩ xem có thể tái sử dụng chúng vào việc gì khác không. Tủ đựng tài liệu, xe cút kít cũ và những thứ đồ cũ khác đều có thể tạo ra những khu vườn thú vị và ngộ nghĩnh. Bạn có thể lấy đồ dùng cũ để tạo ra lưới mắt cáo hoặc cọc rào thú vị.
Cuối cùng, sống không rác có nghĩa là nấu những gì bạn cần và ăn những gì bạn nấu, nhưng nó cũng có nghĩa là tận dụng cho kỳ hết mọi nguyên liệu nấu nướng. Khi nấu nướng rau củ quả, nếu để ý, bạn sẽ thấy thế nào mình cũng để lại một đống rác lớn mà thường là sẽ bị tống vào các hố rác phân hủy hữu cơ.
Khoan đã nào! Giờ chúng ta sẽ thử một cách sống không rác triệt để nhất. Thực ra, bạn có thể tái trồng rất nhiều thứ từ rác thải nhà bếp thay vì làm phân hữu cơ. Hãy thử bàn đến chuyện sống không rác một cách triệt để nhất nhé!