Cuốn Biểu Tượng Thần Thoại Về Chư Thiên Và Linh Vật Phật Giáo là tuyển tập những bài viết của tác giả về các chư thiên và linh vật, biểu tượng của Phật giáo. Trong từng bài viết, tác giả đã tìm về nguồn gốc, ý nghĩa cùng tín niệm của các vị thần và linh vật trong thần thoại, cổ sự Ấn Độ; kế đó là sự tiếp nhận để trở thành những vị hộ pháp, những biểu tượng tốt lành của Phật giáo.
Cuốn sách tiếp cận đề tài dưới cái nhìn truy nguyên nguồn gốc, xác định nội dung, tính chất, đặc điểm của chư thiên và linh vật Phật giáo ở từng tọa độ lịch sử - văn hóa của các quốc gia Phật giáo châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chương I, II, III của tác phẩm giúp bạn đọc kiến thức cơ bản về bộ ba quyền lực "Tam vị nhất thể" của Hindu giáo khi hội nhập vào Phật giáo thì biến thể sang các biểu tượng: Brahma - thần Sáng tạo trở thành Phạm Thiên và vợ là Biện Tài Thiên cùng với vật cưỡi là ngỗng thần Hamsa; tiếp nhận Vishnu - thần Bảo hộ trở thành Tỳ Nữu Thiên và người phối ngẫu là Cát Tường Thiên cùng nút thắt vô tận/vật kết cát tường Shrivatsa và biểu tượng chữ Vạn Svastika; Shiva - thần Hủy diệt tiếp biến thành Tự Tại Thiên (hay Thấp Bà Thiên) cùng tích hợp vào các con từ thần tài lộc Ganesha đến Hoan Hỷ Thiên và thần chiến tranh Skanda đến thần Hộ pháp Vi Đà.
Ở các chương IV, V, VI, VII giới thiệu về nguồn gốc và tín niệm các vị thần cõi trời (Đế Thích Thiên, Hộ thế Tứ thiên vương), ánh sáng (Marici/Ma Lợi Chi Thiên), mặt trời (Surya/Nhật Thiên) và mặt trăng (Chandra/Nguyệt Thiên), nhật thực và nguyệt thực (mô típ Rìa-hu trong chùa Khmer); về các chư thiên liên quan đến nguyên tố đất (Prah Thorni/nữ thần đất, Yama/Diêm Ma Thiên), nước (Varuna/Thủy Thiên, Makara/ quái vật biển), lửa (rắn thần Naga, Agni/Hỏa Thiên), gió (Vayu/Phong Thiên); các hình tượng nhạc thần, tiên nữ, vũ nữ và Hộ pháp trong Phật điện Nam tông (Kinnara/Khẩn Na La, vũ nữ Apsara, Gandharva/Càn Thát Bà, Garuda/Chim cánh vàng, Rakshasa/Bà La Sát, Yaksha/Quỷ Dạ Xoa, Atula/ Phi thiên phi nhân, Asura/Chằn).
Từ thuở ấu thơ, người Việt đã biết ông Bụt hiền từ thường hiện ra giúp người nghèo khó; lớn lên lại theo bà, theo mẹ đi chùa lễ Phật cầu an. Dần dà mái chùa đã trở thành một phần ký ức không thể phai mờ. Song có điều không phải ai cũng hiểu được xuất xứ, ý nghĩa của những bức tượng, phù điêu, tranh vẽ, biểu tượng nơi cửa Phật. Cuốn sách "Biểu tượng thần thoại về chư thiên và linh vật Phật giáo" của tác giả Huỳnh Thanh Bình góp phần giúp bạn đọc hiểu thêm về điều đó.