(*) Về vụ sát hại nhà báo Khashoggi tại lãnh sự quán:
Nhân viên lãnh sự quán được yêu cầu không có mặt vào ngày Khashoggi dự định lấy giấy tờ xác nhận ly hôn, những người làm việc tại nhà của tổng lãnh sự gần đó cũng được yêu cầu ở nhà vì các hoạt động kỹ thuật đang diễn ra. Vài phút trước khi Khashoggi đến, Maher hỏi: “Vật hiến tế đến chưa?”
Trong lãnh sự quán, mọi thứ tiến triển rất nhanh chóng. Nhân viên tiếp nhận đưa Khashoggi lên tầng trên văn phòng tổng lãnh sự. “Chúng tôi phải đưa ông trở lại”, Mutreb nói với Khashoggi, ông bị kéo vào văn phòng ngay sau khi đến lãnh sự quán. “Có lệnh từ Interpol. Interpol lệnh ông phải trở lại. Chúng tôi đang đến để đón ông. Tại sao ông không quay trở lại?”
“Tại sao tôi không muốn trở về đất nước của mình? Nếu Đức Chúa Trời muốn, cuối cùng tôi sẽ quay lại”, Khashoggi trả lời.
“Interpol đang trên đường đến, vì vậy chúng tôi phải giữ ông cho đến khi họ xuất hiện,” Mutreb nói.
“Điều này là trái với pháp luật. Tôi đang bị bắt cóc!”, Khashoggi nói.
“Chúng tôi sẽ đưa ông trở lại Ả-rập Xê-út và nếu ông không hợp tác, ông biết cuối cùng chuyện gì sẽ xảy ra đấy,” một trong số họ nói.
Khashoggi phản kháng.
“Làm nhanh lên,” một người đàn ông khác nói.
Họ rút ra ống tiêm.
“Anh định tiêm thuốc à?”, Khashoggi hỏi lúc 1:33 chiều.
Và chỉ có thế. Trong vòng năm phút tiếp theo, Khashoggi bị tiêm thuốc an thần và chết ngạt. Lúc 1:39 chiều, người ta có thể nghe thấy tiếng chuyên gia phân xác đang cưa thi thể nhà báo thành nhiều mảnh.
(*) Về sự quan liêu của vương triều Ả-rập:
Vào tháng 9, thảm họa tiềm tàng ập tới. Thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa và tên lửa được cho là do phiến quân Houthi kiểm soát ở Yemen đã làm nổ tung các thiết bị chủ chốt tại một cơ sở có tên Abqaiq, nơi xử lý phần lớn dầu thô để vận chuyển bằng tàu của Ả-rập Xê-út. Đó là điều mà Gia tộc Al Saud lo sợ từ lâu.
Trong bài báo năm 2003 trên tờ Atlantic phân tích những nguy cơ đối với việc nắm giữ quyền lực của gia tộc Al Saud Robert Baer, cựu quan chức CIA, viết: “Điểm dễ bị tổn thương nhất và là mục tiêu ngoạn mục nhất trong hệ thống dầu mỏ của Ả-rập Xê-út là khu phức hợp Abqaiq.” Quan điểm này còn được nhắc lại vào năm 2006 trong bài viết của học giả Ả-rập Xê-út Simon Henderson và vào tháng 8 năm 2019 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Hoa Kỳ đã thúc giục người Ả-rập sử dụng một phần số tiền họ đã chi cho các dự án hào nhoáng như Thành phố Kinh tế của Vua Abdullah hay NEOM của Mohammed để cải thiện [chất lượng] an ninh cơ bản cho hạ tầng cơ sở dầu mỏ của mình. Abqaiq và nhiều cơ sở quan trọng khác dễ dàng nằm trong tầm bắn tên lửa của Iran, có khả năng đe dọa không chỉ sự ổn định của Ả-rập Xê-út mà của cả thị trường dầu mỏ thế giới.
Bảo vệ mỏ dầu không chỉ đơn giản là vấn đề có thiết bị hoặc chuyên môn phù hợp. Vấn đề lớn nằm ở cách Gia tộc Al Saud cân bằng quyền lực giữa các phe phái bằng cách phân chia quyền lực quân sự trong lịch sử. Trong quá khứ, Bộ Nội vụ và lực lượng vũ trang của nó luôn nằm dưới sự chỉ huy của Hoàng tử Nayef, anh trai Vua Salman, và sau này là con trai ông ấy, Mohammed Bin Nayef, chịu trách nhiệm bảo vệ các cơ sở khai thác dầu. Nhưng để ngăn chặn mọi cuộc tấn công từ trên không sẽ cần sử dụng tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất được Bộ Quốc phòng kiểm soát, cơ quan này trước đây được giám sát bởi người anh em khác của vua Salman, Hoàng tử Sultan và gia tộc của ông ta. Cơ quan tình báo chịu trách nhiệm thu thập thông tin về các mối đe dọa tiềm tàng từ mỏ dầu nhận lệnh bởi những người khác.
Vì các hoàng tử phụ trách phe phái khác nhau đang tranh giành ngôi vị nên luôn có sự nghi ngờ và thiếu chia sẻ thông tin. Về lý thuyết, Mohammed đã loại bỏ những chia rẽ đó, loại bỏ Mohammed Bin Nayef khỏi Bộ Nội vụ và tự mình tiếp quản Bộ Quốc phòng. Nhưng trên thực tế, vào giữa tháng 9 năm 2019, hệ thống vẫn còn tách biệt khi tên lửa và thiết bị bay không người lái tấn công Abqaiq.
Vụ nổ đã gây sốc cho cả Hoa Kỳ và Ả-rập Xê-út, họ đã nhanh chóng kết luận nhóm Houthis không thể làm một mình. Iran hẳn đã giám sát cuộc tấn công. Một chuyên gia không kích đến thăm Abqaiq cho chính phủ Ả-rập Xê-út biết trong những ngày sau đó: “Bất cứ ai lên kế hoạch cho nó đều có sự hiểu biết tầm cỡ thế giới về cách thức hoạt động của các cơ sở dầu mỏ.”
Đó là một khung cảnh kỳ lạ. Nhiều đường ống, tháp và hạ tầng cơ sở quan trọng để tách tạp chất khỏi dầu thô của Abqaiq vẫn còn nguyên. Nhưng một số cái gọi là mô-đun hình cầu, trông giống như mái vòm kim loại bị nén ép và tách khí ga khỏi dầu, bị hư hại nghiêm trọng. Lãnh đạo Aramco và chính phủ hiểu rõ những gì mà kẻ tấn công nhắm vào: Sử dụng công nghệ lập bản đồ và xác định mục tiêu chính xác, chúng chỉ tấn công những hệ thống có thể sửa chữa nhanh chóng. Quan chức tình báo kết luận cuộc tấn công không phải là phát súng tiêu diệt, mà chỉ là đòn cảnh cáo để Ả-rập Xê-út thấy những gì Iran có thể làm. Việc này chỉ tốn “17 phút và chưa đến 2 triệu đô-la” cho tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái, theo lời chuyên gia không kích.
Thật đáng sợ. Iran có ít tiền hơn nhiều để mua vũ khí so với Ả-rập Xê-út, nhưng cuộc tấn công cho thấy điều đó không phải là vấn đề. Ả-rập Xê-út có thể tiếp tục việc sản xuất dầu trở lại đúng hướng trong vòng vài tuần chỉ vì Iran quyết định bắn sượt qua, thay vì phá hủy.
Đối với Ả-rập Xê-út, cuộc tấn công tạo ra nhận thức về hai vấn đề lớn. Đầu tiên, hệ thống phòng thủ vẫn còn hỗn loạn ngay cả khi Mohammed giành quyền kiểm soát từ sự cạnh tranh của các phe phái trong gia tộc. Ả-rập Xê-út sở hữu tên lửa Patriot chuyên phá huỷ vào các phương tiện và thiết bị bay không người lái nhưng không có hệ thống nào cho phép Bộ Quốc phòng nhanh chóng triển khai. Và không có cách nào để bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm – trong bộ máy quan liêu của vị vua nắm quyền tuyệt đối, một hệ thống phức tạp đưa ra nhằm mục đích thay đổi nhưng cuối cùng lại là loại bỏ việc quy lỗi.
(*) Về vụ giam giữ các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới tại khách sạn Ritz:
Sự kiện bắt giữ tại Ritz càng chấn động hơn khi chỉ vài ngày trước đó, chính khách sạn này cùng một trung tâm hội nghị lân cận đã đón tiếp những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, chính trị và kinh doanh trên toàn cầu đến tham gia một sự kiện kéo dài ba ngày mà ban tổ chức gọi là “Hội nghị Davos trên Sa mạc”. Người ta giới thiệu sự kiện như sự tiết lộ về đất nước Ả-rập Xê-út mới, là bước chân đầu tiên của đất nước hải đảo đang tiến vào thế giới kinh doanh chính thống.
Ngày 30 tháng 10, trong sảnh lớn lát cẩm thạch, nhà quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới, người sáng lập Blackstone, Steve Schwarzman thu hút mọi sự chú ý trong khi Tony Blair đứng ở một góc khác giải thích chi tiết kế hoạch của Mohammed với đám đông chủ ngân hàng. Nhà đầu tư Tom Barrack, cố vấn chính về Trung Đông của Tổng thống Trump và là người sáng lập Colony Capital, ngồi cùng tùy tùng, trao đổi danh thiếp với một loạt khách mời. Bộ trưởng Tài chính của Trump, Steve Mnuchin, ăn tối với vợ tại Hong, nhà hàng Trung Quốc cao cấp của Ritz-Carlton. Masayoshi Son, nhà sáng lập SoftBank của Nhật Bản, ở trong một căn phòng thượng hạng mà mấy ngày sau dùng để giam giữ một vị hoàng tử.
Hai sự vụ đối lập diễn ra liên tiếp là Hội nghị Davos trên Sa mạc và sự chuyển đổi khách sạn Ritz thành nhà tù – cùng số phận đảo lộn của rất nhiều nhân vật đặc biệt giàu có – đã biến vụ trừng trị thẳng tay này trở thành một sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử chính trị và kinh doanh thế giới gần đây. Lần đầu tiên có nhiều đến thế những nhà tỉ phú và những gã khổng lồ về tài chính vốn sở hữu khối của cải có thể lay trời chuyển đất lại bị tước đoạt quyền tự do và tài sản theo cách bất ngờ như vậy.