SỰ ĐỒNG NHẤT
Tại sao bạn tự đồng nhất mình vào một người khác, một đoàn thể, một xứ sở? Tại sao bạn tự gọi mình là một tín đồ Thiên Chúa giáo, tín đồ Ấn giáo, Phật giáo, hoặc tại sao bạn lệ thuộc vào một trong vô số những giáo phái? Về mặt tôn giáo và chính trị người ta tự mình nhập một vào với đoàn thể này hay đoàn thể khác thông qua truyền thống hoặc tập quán, qua cưỡng ép, thành kiến, bắt chước và lười biếng. Thái độ đồng nhất này, chấm dứt mọi hành động hiểu biết sáng tạo và bấy giờ, người ta trở thành một công cụ sai bảo trong tay ông trùm đảng phái, vị thầy tu hoặc vị lãnh tụ được ưa thích.
Một hôm có người nào đó đã nói rằng ông ấy là môn đồ của Krishnamurti, trái ngược với người này hay người kia đang theo một đoàn thể khác. Khi ông ấy nói điều đó, ông ấy hoàn toàn không hiểu mọi hàm ý trong sự đồng nhất này. Ông ấy không phải là người ngu ngốc, ông ấy đã đọc nhiều, có văn hóa, v.v.. Cũng không phải ông là người sống nặng tình cảm, cảm xúc về vấn đề này; trái lại, ông ấy rất sáng suốt và quả đoán.
Tại sao ông ấy đã trở thành môn đồ của Krishnamurti? Ông ấy đã theo sau nhiều người khác, đã lệ thuộc nhiều đoàn thể và tổ chức chán ngắt, và cuối cùng đã tự đồng nhất vào với con người đặc biệt này. Từ những gì ông ấy đã nói, có vẻ như cuộc hành trình đã chấm dứt. Ông ấy đã tìm thấy chỗ trụ và vấn đề đã được giải quyết, ông ấy đã chọn lựa và không gì lay chuyển nổi. Giờ đây, ông ấy cảm thấy an tâm, thoải mái trụ lại và hăng say làm theo tất cả những điều đã được nói và sẽ được nói.
Khi chúng ta tự đồng nhất hay nhập làm một vào người khác, liệu việc làm đó thể hiện tình yêu? Đồng nhất có nghĩa nghiệm chứng, thực nghiệm không? Phải chăng sự đồng nhất chấm dứt tình yêu và nghiệm chứng? Đồng nhất, chắc chắn là chiếm hữu, khẳng định quyền sở hữu, quyền làm chủ và sự sở hữu phủ nhận tình yêu, phải không? Sở hữu là cảm thấy an toàn, an tâm; chiếm hữu là phòng vệ, tự biến mình thành vô cảm. Trong đồng nhất có sự chống đối, dù thô bạo hay tinh tế, và tình yêu phải chăng là một hình thái chống đối để phòng vệ cái tôi, cái ngã? Khi có phòng vệ, liệu có tình yêu?
Tình yêu vốn mẫn cảm, uyển chuyển, cởi mở; tình yêu là một hình thái nhạy cảm cực kỳ và sự đồng nhất sẽ khiến cho lòng mình thành vô cảm. Đồng nhất và tình yêu không đồng hành, bởi vì cái này hủy diệt cái kia. Trong chỗ cốt lõi thì đồng nhất là một tiến trình tư tưởng, nhờ đó trí não tự bảo vệ và bành trướng, và trong tiến trình trở thành cái gì đó thì trí não phải phòng vệ và chống đối, phải sở hữu và loại trừ. Trong tiến trình trở thành này, trí não hay cái “tôi”, dần dần trở nên thô bạo hơn nhưng cũng đầy năng lực hơn, nhưng đây không phải là tình yêu. Đồng nhất hủy diệt tự do, và chỉ trong tự do mới có hình thái nhạy cảm cao tột nhất.
Để nghiệm chứng tức thực nghiệm, có cần phải đồng nhất không? Không phải chính động thái đồng nhất chấm dứt tìm hiểu, tra xét, khám phá sao? Hạnh phúc mà chân lý mang lại không thể có được nếu không có sự chứng nghiệm trong hành động tự khám phá. Đồng nhất chấm dứt khám phá, nó là một dạng khác của sự lười biếng. Đồng nhất là một kinh nghiệm gián tiếp, và do đó cực kỳ giả dối.
Để kinh nghiệm thì mọi sự đồng nhất phải ngưng dứt. Để nghiệm chứng thì phải không còn nỗi sợ hãi. Sợ hãi ngăn chặn kinh nghiệm. Chính sợ hãi mới tạo ra đồng nhất - đồng nhất vào với người khác, với đoàn thể, với một ý thức hệ, v.v.. Sợ hãi tất phải chống đối, kiềm chế, và trong một trạng thái tự phòng vệ thì làm sao có thể mạo hiểm trên những vùng biển hoang vu chưa từng được khám phá? Sự thật hay hạnh phúc không thể đến nếu không thực hiện cuộc hành trình thâm nhập vào mọi đường đi nước bước của cái “tôi”. Bạn không thể đi xa nếu bạn bị neo giữ. Đồng nhất là một nơi ẩn náu. Một nơi ẩn náu cần được bảo vệ và điều gì được bảo vệ thì sớm hay muộn cũng bị hủy diệt. Đồng nhất tạo ra sự hủy diệt cho chính nó, do đó có sự xung đột triền miên giữa các sự đồng nhất khác nhau.
Chúng ta càng đấu tranh chống lại hoặc ủng hộ sự đồng nhất nhiều bao nhiêu thì sự kháng cự đối với sự thấu hiểu càng nhiều bấy nhiêu. Nếu người ta tri giác toàn bộ tiến trình của sự đồng nhất, ở ngoại giới cũng như nơi nội tâm, nếu người ta thấy rằng biểu hiện bên ngoài là do yêu cầu ở nội tâm phóng chiếu, thì bấy giờ mới có thể có khám phá và hạnh phúc. Anh ấy người đã đi vào con đường tự mình đồng nhất thì không bao giờ có thể biết được tự do, mà chỉ duy trong tự do thì mọi sự thật mới xuất hiện.