Truyền thống Phật giáo xác định ý hướng của tư tưởng là ý hướng hướng đến giải thoát con người ra khỏi mọi thúc phược, nô lệ, tù đày. Vấn đề nhân bản Phật Giáo được đặt ra chính nằm trong ý hướng đó.
Dù bị đánh lạc qua một hướng rẽ nào, dù bị cuốn hút vào trong những dục vọng cao độ vật chất hoặc tinh thần nào, dù bị thảm hóa trong hoàn cảnh nào, những bước đi của con người trên trần gian vẫn là những bước đi tìm con người thực sự của mình. Do đó, vấn đề nhân bản được đặt lại sẽ không có nghĩa như một hiện tượng cũ hay mới, một phong trào nổi hay chìm. Vấn đề nhân bản luôn luôn có mặt trong những câu hỏi của triết lý, trong những bước đi của nghệ sĩ, trong những gì sẽ phải giải quyết của một cộng đồng tập thể. Vấn đề nhân bản là vấn đề của con người trên trần gian.
Trong cảnh huống khốn cùng bây giờ
của đất nước - vấn đề nhân bản sẽ có ý nghĩa nào? Dù sao, thì nó vẫn nằm trong truyền thống của Phật Giáo và không phản bội với những ước vọng của con người.
Tiểu luận về nhân bản Phật giáo tự nó mang lại một giới hạn. Và bởi thế, nó sẽ không đóng vai trò chung quyết cho vấn đề.
Sài Gòn, giữa ngày khói lửa tháng 5 năm 1968
Thích Mãn Giác