Tập tiểu luận này tập hợp 14 bài viết trong nhiều năm của tác giả Thích Hạnh Tuệ đã công bố trên các báo và tạp chí: Tuần báo Giác ngộ, Nguyệt san Giác ngộ, Nghiên cứu Phật học, Văn hóa Phật giáo, Nghiên cứu Tôn giáo, Đại học sài Gòn... Tất cả các bài viết đều tập trung nghiên cứu về tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm.
Ở đó, tác giả đã đi từ điều căn cốt nhất là tìm hiểu lai lịch, hành trạng, sự nghiệp của chủ nhân quyển luận thuyết; truy tìm pháp phái truyền thừa của Hải Lượng và lý giải con đường đến với Thiền Phật của nhà nho Ngô Thì Nhậm; đi sâu nghiên cứu đặc trưng thể loại luận thuyết Phật học; tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật, bút pháp của tác phẩm và so sánh các bản Việt dịch tác phẩm đang lưu hành.
Về nội dung, tác giả đã chỉ ra những nhận thức mới của Ngô Thì Nhậm về Phật giáo Thiền tông; về tư tưởng Phật giáo Đại thừa thể hiện trong tác phẩm và đi sâu nghiên cứu vấn đề “khu Thích dĩ nhập Nho” mà đương thời khi viết “Lời tựa” cho tác phẩm, Phan Huy Ích đã từng khẳng định. Bên cạnh đó, tác giả còn nêu lên một vấn đề khá thú vị là trình bày quan điểm “dĩ Nho giải Phật” của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm được thể hiện trong luận thuyết. Tác giả cũng không quên chỉ ra những ảnh hưởng từ kinh Viên Giác mà Hải Lượng đã tiếp thu khi trước tác Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh; nêu lên tinh thần dung hợp Tam giáo; vấn đề nhập thế hộ quốc an dân mà luận thuyết đã đề cập; xác định vị trí của luận thuyết này trong dòng chảy văn học Phật giáo nói riêng, trong văn học Việt Nam thời trung đại nói chung. Cuối cùng, để chốt lại vấn đề, tập tiểu luận đã lý giải vấn đề chữ Tâm trong kinh văn Đại thừa và trong văn học Phật giáo, bởi đây là vấn đề then chốt, căn cơ nhất, là kim chỉ nam, là chìa khóa để giải mã tác phẩm văn học Phật giáo Thiền tông