Sống Chất - Triết Lý Sống Của Huyền Thoại Y Học Nhật Bản
Là một bác sĩ đáng kính với nhiều cống hiến lớn lao cho ngành y tế Nhật Bản, Shigeaki Hinohara mang những trăn trở về y tế nước nhà vào tác phẩm “Sống chất – Nghệ thuật sống của huyền thoại y học Nhật Bản”. Shigeaki Hinohara đã chỉ ra rằng người Nhật thuộc hàng sống thọ nhất thế giới vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng chứ không phải nhờ vào nền y tế tiến bộ. Những năm cuối đời, y học có thể kéo dài tuổi thọ của họ nhưng không thể nói chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và sự tôn nghiêm của sinh mệnh được coi trọng. Những điều đáng ra phải là kim chỉ nam hàng đầu cho công cuộc điều trị là ý nghĩa cuộc sống lại trở thành thứ yếu, đứng sau những khiếm khuyết của hệ thống quản lý, những quy trình cứng nhắc, và lợi nhuận mà những viên thuốc mang về .
Với những bài diễn thuyết đầy tâm huyết tại những sự kiện trọng thể được tổng hợp trong tác phẩm, Shigeaki Hinohara chỉ ra những thiếu sót của nền y tế nhưng không hề có tính phê phán mà ngược lại, gửi gắm nhiều hy vọng lớn lao cho tương lai. Ông vạch ra hướng đi và mục tiêu nhân văn cho người thầy thuốc: mang lại niềm vui và ý nghĩa sống cho bệnh nhân. Ngược lại với người bệnh, họ cần sâu sắc chiêm nghiệm về ý nghĩa của cái chết, sau mới đến những giá trị khác của cuộc sống.
Dưới sự dẫn dắt của Shigeaki Hinohara, việc không ngừng phân tích và thấu hiểu về cái chết sẽ khiến giây phút cuối đời trở nên thanh thản và có ý nghĩa hơn rất nhiều. Trái với những điều cấm kỵ qua nhiều thế hệ, sự chủ động của con người với vấn đề này sẽ dẫn chúng ta đến với ranh giới bình yên, bởi ta biết khi ta đang sống, cũng chính là lúc ta đang dần chuẩn bị cho cái chết của chính mình, vậy điều duy nhất cần làm là sống sao cho thật chất lượng, sống trọn vẹn và ý nghĩa.
Sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu kéo dài sự sống nhưng người bệnh phải chịu đau đớn hay chìm trong hôn mê vô thức. Đã đến lúc y học cũng buộc phải thay đổi, từ cả bác sĩ, bệnh nhân đến xã hội. Chúng ta đang ngày càng nhận ra rằng nếu không đưa nhân sinh quan hay giá trị quan của mỗi cá nhân vào y học thì không thể đưa ra phương pháp trị liệu tốt được. Nếu chỉ đơn thuần suy nghĩ làm sao sống lâu mà không suy nghĩ sâu sắc về sinh mệnh hoặc làm cuộc sống thêm sắc màu thì dù sống tới 80 tuổi, cuộc đời cũng chỉ vô nghĩa mà thôi.
TRÍCH ĐOẠN SÁCH
Nhà triết học người Thụy Sĩ Carl Hilty ghi trong tác phẩm Luận về hạnh phúc như sau: “Cho dù với bất cứ việc gì, chúng ta đều không thể nói mình đã mất đi mà nên nói mình đã trả lại“. Nhà truyền giáo Uchimura Kanzo khi mất đi cô con gái 18 tuổi đã viết rằng: “Rutsuko đã trở về với Chúa trời.”
Ông Hilty nói rằng: “Nếu con trai của anh mất đi, tức là cháu đã được trả về với Chúa. Nếu bạn bị cướp đi tài sản, đó chính là lúc bạn trả lại. Người cướp đi chắc chắn là người xấu. Tuy nhiên, nếu người tặng thông qua bàn tay của ai đó để lấy lại, thế thì có liên quan gì đến anh?” Vì vốn đây là thứ được ai đó trao cho nên bạn đừng tra xét ai đã lấy nó đi. Ông cũng nói: “Bạn cứ sở hữu nó lúc Chúa giao cho bạn. Bạn nên sống với suy nghĩ mình đang trông giữ tài sản trong một đêm. Giống như người lữ hành mượn chỗ ngủ một đêm vậy.
“Yêu sinh mệnh của bản thân hơn tất cả.” Đây tuyệt đối không phải chủ nghĩa cá nhân. Chẳng phải ý nghĩa thực sự của sự sống chính là yêu bản thân mình – một thực thể tồn tại duy nhất không thể thay thế được – đồng thời yêu cả những người khác và yêu mọi sinh vật sống hay sao?
Mỗi người đều có cái chết của riêng mình. Họ sẽ thu xếp cái chết đó ra sao? Cái chết chính là tác phẩm tự tay tạo ra của mỗi người. Đây chẳng phải là một điều tuyệt vời hay sao? Giống như quả luôn chứa trong mình hạt giống, con người từ khi sinh ra đã mang trong mình hạt giống gọi là cái chết rồi. Với cách nhìn như vậy, quả đúng là chúng ta cần được học về cái chết. Dựa vào đó, chúng ta sẽ không ngừng cố gắng tự tạo ra “bản thân” như một kiệt tác và kết thúc cuộc đời bằng cái chết. Nói cách khác, đây cũng chính là việc “sáng tạo tuổi già”. Cho dù đã qua độ tuổi trung niên, cuộc đời của bạn vẫn có thể sáng tạo. Tôi khuyến khích những vị đã quá tuổi trung niên và đang cảm thấy tuổi già không còn xa hãy làm một điều gì đó mình chưa từng làm từ trước đến giờ. Bạn sẽ tạo ra một điều mới mẻ giống như vẽ tranh trên giấy trắng. Nhà triết học Rafael Buber đã nói: “Con người sẽ không bao giờ già đi nếu luôn sáng tạo.”