Có thể coi cuốn sách này là một tập tài liệu chuyên môn về sức khỏe tâm thần, tâm lý học, nhưng không làm cho người đọc thấy hoảng sợ, vì lý thuyết được gắn với một tình huống nghiên cứu thực tiễn, điển hình.
Đồng thời đây cũng là tiếng nói của những công dân có chuyên môn, ý thức rất rõ về “trách nhiệm cảnh báo” của mình; nhưng lại bị kẹt giữa hai nghĩa vụ nghề nghiệp hoàn toàn đối lập nhau, và việc vi phạm bất cứ nghĩa vụ nào cũng khiến họ bị coi là hành xử thiếu đạo đức.
Thứ nhất, họ có nghĩa vụ im lặng về đánh giá của họ với bất kỳ ai nếu người đó chưa cho phép họ lên tiếng công khai. Thứ hai, họ có nghĩa vụ lên tiếng và thông báo cho những người khác nếu họ có cơ sở để tin rằng một người nào đó có thể gây nguy hiểm cho những người khác.
Nhân vật được đưa ra làm điển hình trong cuốn sách là Donald Trump, tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, vì những hành xử có vẻ bất thường của ông.
Tuy nhiên, tác giả Bandy X. Lee đã chỉ ra rằng, “điểm chính của cuốn sách này không phải là về ông Trump, mà về bối cảnh lớn hơn dẫn tới việc ông lên làm tổng thống, và về phần đông dân số mà ông gây được ảnh hưởng bởi vị thế của ông”.
Bà đã đặt ngược lại câu hỏi, rằng việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ không phải vấn đề, mà vấn đề nằm ở chính đám đông dân số đã bầu cho ông. Và, “Sự nổi lên của một cá nhân với những khiếm khuyết như thế tự nó nói lên tình trạng sức khỏe và sự thịnh vượng của quốc gia, và chúng ta có thể phản ứng thế nào: cải thiện nó hay làm nó suy yếu thêm nữa?”
“Không cuốn sách nào được xuất bản trong mùa thu này nguy hiểm hơn, quan trọng hơn và gây tranh cãi hơn cuốn sách này… sâu sắc, sáng tỏ và đầy lo lắng.”
- Bill Moyers
“Lập trường của các chuyên gia tâm thần học này cần đến lòng can đảm, và những kết luận của họ thật thuyết phục.”
- The Washington Post