Cuốn
sách nhỏ này trình bày những điểm chính yếu của lý thuyết phân tâm học.
Như Freud đã nói: "...Sự tìm hiểu phân tâm học không có cái gì đồng
loại với một hệ thống triết lý có sẵn một học thuyết toàn vẹn và thành
tựu; phân tâm học bắt buộc phải tiến từng bước để hiểu những điểm khúc
mắc của động tác tâm thần qua sự phân tích những hiện tượng bình thường
và bất thường", tư tưởng của ông được trình bày tuần tự theo sự tiến
triển của giòng suy tư với những sự chấn chỉnh và bổ túc cần thiết, chứ
không theo một hệ thống chặt chẽ và ổn định ngay từ đầu. Sự kiện ấy có
phản ảnh vào cách dùng danh từ. Thí dụ bản năng chính yếu trong con
người được mệnh danh là bản năng sống, đến sau gọi là EROS quy tụ tất cả
các sắc thái của hiện tượng sinh sống. Một thí dụ khác: từ ngữ siêu ngã
và lý tưởng tôi tuy cùng chỉ một sự kiện nhưng chúng ta có thể hiểu như
sau: siêu ngã là một kiến thức ở trên cái tôi (ngã), còn lý tưởng tôi
tượng trung cho đạo đức, quan tòa. Sau này, các môn đệ của Freud còn tìm
cách tách riêng hai yếu tố lý tưởng tôi và tôi lý tưởng, khái niệm sau
gồm những khuynh hướng như đồng nhất hóa mình với một siêu nhân, một
người anh hùng tưởng tượng...
Chúng
ta có thể theo dõi từng bước một sự manh nha và tiến triển của những
khái niệm nền tảng về phân tâm học, do đó chúng ta nhận định được phương
pháp suy tư bác học của ông. Chúng ta sẽ biết phương pháp nhận định và
phân tách, suy diễn và tổng hợp để đi đến những kết luận vô tư, thành
thực, xác thực và đúng mức. Ông biết dừng lại đúng lúc và gợi ý hay khai
lối cho những công cuộc khảo sát về sau. Ông biết trình bày cả những
điểm bất lực của mình vì tư tưởng bị giới hạn bởi trình độ kiến thức của
thời đại. Thái độ ấy còn là một thái độ xa lánh những kiến trúc triết
học, nhất là siêu hình và thế giới của ông là thế giới khả tri khả giác,
thế giới của ông tiếp xúc với sự vật cụ thể. Chúng tôi thiết nghĩ nếu
chúng ta muốn tìm một thí dụ ý nghĩa về tinh thần phương pháp thì chúng
ta có thể thấy trong tác phẩm của Freud một mẫu độc đáo.
Ngày
nay tư tưởng của ông đã phổ biến, ảnh hưởng của ông đã lan rộng đến
nhiều lãnh vực học vấn, văn học và tư tưởng, người ta đã chấp nhận những
phát giác của ông về tìm thức và bản năng như những sự kiện thiên nhiên
không đến nỗi phải kinh tởm và tránh né. Như vậy, chúng tôi thiết nghĩ
công việc phiên dịch và phổ biến tư tưởng của ông không phải là một việc
làm "vô trách nhiệm".
Công
việc phiên dịch gặp một vài sự khó khăn. Sự khó khăn chính yếu là ngôn
từ của ông mà ông đã nói đến trong cuốn sách này. Nếu ông trình bày tư
tưởng của ông bằng ngôn từ sinh vật học hay sinh lý học thì ông có hy
vọng được người đọc lãnh hội dễ dàng hơn ngôn từ mới lạ của phân tâm
học, nhưng ông quyết tâm bảo vệ môn học của ông cho nên phải tạo ra bầu
không khí riêng cho nó để làm hiển hiện hình tướng của nó. Thêm vào sự
khó khăn ấy còn sự khó khăn gây ra vì những đặc điểm tiếng nói Việt Nam
khác hẳn tiếng nói Ấn Âu (không có thì participe, không phân biệt hình
thức ký hiệu của động từ, tính từ, trạng từ ...).
Trong điều kiện ấy,
nếu tôn trọng triệt để từ ngữ thì sẽ làm cho bản văn khó đọc và có thể
làm cho người đọc hiểu ra ý khác với ý nghĩa của câu văn. Chúng tôi lựa
một biện pháp dung hòa như sau: tôn trọng những khái niệm và từ ngữ nòng
cốt, linh động với những khái niệm và từ ngữ khác, đặt lại những cú
pháp cho gần với cú pháp Việt Nam, tránh những cách đặt câu cầu kỳ có vẻ
"trí thức", cốt lấy cái sáng sủa về cú pháp. Gạt bỏ cho người đọc phần
nào rắc rối cú pháp là gạt bỏ cho người đọc một bận tâm không nhỏ, để
người đọc rảnh rang chú ý đến những tế nhị của sự trừu tượng hóa. Sự
trừu tượng hóa cao độ là một đặc điểm không thể tránh được của công việc
suy tầm nguyên lý một môn học. Về danh từ chuyên môn chúng tôi dùng
những danh từ y học và triết học đã phổ biến, nếu phải tạo ra một vài
danh từ mới thì có chú thích nội dung và phạm vi sử dụng của danh từ.
NGƯỜI DỊCH