Khai Tâm | Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, Đặng Hoàng Giang

Danh sách sản phẩm

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, Đặng Hoàng Giang

Tác giả: Đặng Hoàng Giang
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành: Thiện Tri Thức
Số trang: 400
Hình thức bìa: Bìa mềm
Ngày xuất bản: 12/2024
Trọng lượng (gr):600
  • Giá bìa: 168.000 đ
  • Tại Sách Khai Tâm: 142.800 đ
  • Tiết kiệm: 25.200 đ (15%)

Giá trị & dịch vụ cộng thêm:

  •  Bookmark miễn phí
  • Giao hàng miễn phí cho đơn hàng từ 200.000 đ (nội thành HCM) và từ 500.000 đ (ngoại thành HCM/ Tỉnh) 
  • Với mỗi 90k trong đơn hàng, quý khách được tặng 1 
  • Bao đọc sách hay, đổi ngay nếu dở (chi tiết)
  •  Bao sách miễn phí nếu có yêu cầu
Số lượng:
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ dẫn người đọc vào thế giới của người trẻ trên dưới hai mươi tuổi, lứa tuổi không còn trẻ con, nhưng cũng chưa thực sự là người lớn. Trong thế giới đó có những run rẩy của va chạm thân thể lần đầu, có lấp lánh của tình yêu, có những đêm dài, những chuyến đi xa, những hoang mang và băn khoăn hiện sinh. Nhưng bao trùm lên tất cả, như một tấm màn lớn, là nỗi đau. Nỗi đau từ sự cô đơn của đứa con vẫn được xã hội khen là "trưởng thành" và "ngoan," từ sự trống rỗng nội tâm của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình lạnh lẽo, từ sự tuyệt vọng của người trẻ bị giam cầm trong nhà tù mang tên tình yêu cha mẹ.
 
Vang lên như những bài hát khi buồn đau khi dữ dội, những chân dung trong cuốn sách cùng các phân tích tâm lý học của tác giả sẽ khiến cha mẹ, thầy cô và tất cả những ai có người trẻ trong cuộc sống của mình phải thức tỉnh, phải ngồi xuống lắng nghe con em mình và suy ngẫm về bản thân, để học cách chữa lành và yêu thương đích thực.
 
Trong phiên bản mới do Sách Thiện Tri Thức xuất bản, tác giả bổ sung chương Những trải nghiệm khắc nghiệt, stress độc hại và năng lực phục hồi.
 
Chương mới giới thiệu một trong những bảng hỏi được sử dụng rộng rãi bởi các nhà tâm lý học và nhân viên công tác xã hội, nhằm giúp bạn đọc tự có đánh giá ban đầu về mức độ khắc nghiệt của tuổi thơ của mình. Bên cạnh đó, tác giả phân tích về ranh giới của stress tích cực và stress độc hại trong quá trình phát triển cá nhân. Chương bổ sung cũng giới thiệu khái niệm quan trọng “năng lực phục hồi” - khả năng giúp người rơi vào khủng hoảng tâm lý có thể vượt qua và quay lại với trạng thái sức khoẻ tinh thần cũ - và những yếu tố ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực lên năng lực này.
 
LỜI TỰA
 
Trong gần hai năm, Phương Anh và nhiều người trẻ khác đã cho phép tôi đồng hành cùng họ. Tôi đã dành hàng trăm giờ đồng hồ để nói chuyện và nhắn tin với họ, đã đi qua hàng ngàn cập nhật Facebook và Instagram của họ, đã đọc nhật ký và blogs, đã xem tranh họ vẽ, nghe nhạc họ chơi, và khi có thể, đã gặp gỡ người thân của họ. Tôi muốn biết về thế giới của họ, muốn hiểu họ yêu gì, ghét gì, khao khát, hy vọng gì, họ đau buồn, hoang mang ra sao. Bởi vì, ngoài việc buông ra những lời phàn nàn và phán xét rằng người trẻ “lười”, “ích kỷ” và “vô cảm,” đã bao giờ chúng ta ngồi xuống và nghiêm túc lắng nghe họ?
 
Những người trẻ trong cuốn sách này đều trên dưới 20 tuổi, cá biệt có người 15, và có người 24 tuổi. Tương ứng với khái niệm late adolescence (thiếu niên muộn) trong tiếng Anh, đây là quãng tuổi đời tôi gọi là “hậu tuổi thơ,” thời kỳ mà người ta đã để lại tuổi thơ ở đằng sau, nhưng chưa hoàn toàn bước vào thế giới của người lớn, theo nghĩa đã đi làm, lập gia đình, độc lập về tài chính.
 
Tôi không có tiêu chí để chọn nhân vật. Dù họ chăm học hay ham chơi game, có nhiều xung đột với cha mẹ hay luôn được coi là “ngoan,” chưa bao giờ yêu hay đã có trải nghiệm tình dục từ rất sớm, tôi gặp gỡ tất cả những ai sẵn lòng chia sẻ, và thực hành lắng nghe không phán xét. Tôi cũng không muốn đi vào những thống kê khô khan như là bao nhiêu phần trăm có quan hệ tình dục trước hôn nhân, hay mỗi ngày giới trẻ lên mạng bao nhiêu tiếng, mà muốn nắm bắt những rung động nhỏ nhất, những chuyển động li ti nhất trong một tâm hồn, những vật lộn để trả lời các câu hỏi vĩnh cửu của tuổi trẻ, “Tôi là ai? Tôi muốn gì? Điều gì làm tôi hạnh phúc?”
 
Mở lòng với tôi, một người xa lạ, và qua đó, đối diện với chính mình, là một quá trình khó khăn. Chúng tôi đã cần nhiều thời gian để khởi động; với cá nhân tôi, đó là một phép thử lòng kiên nhẫn. Tới khi một người trẻ hỏi liệu bạn họ có thể đến gặp tôi thì tôi biết họ đã tin tưởng. Khi họ lỡ miệng văng tục, tôi hiểu là hàng rào phòng thủ, xã giao cuối cùng của họ đã được hạ xuống, họ không còn cảm thấy khoảng cách giữa vị thế xã hội hay bằng cấp, học vấn nữa. Mặc dù vậy, đôi khi, nửa năm sau buổi gặp đầu tiên, một cô gái mới tiết lộ nguyên nhân cái chết của bố cô, một cô gái khác mới cho tôi đọc blog cô chỉ viết cho riêng mình, một chàng trai mới kể về giấc mơ vẫn thường trực ám ảnh cậu. Hẳn là những quyết định đó không chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa họ và tôi, vào những gì chúng tôi đã đi qua cùng nhau, mà còn vào những vận động bên trong họ.
 
Tôi cũng ý thức được rằng mình sẽ không thể nắm bắt trọn vẹn được một con người, một lịch sử cá nhân. “Con người là gì?” Svetlana Alexievich, nữ nhà văn Belarus nổi tiếng, suy ngẫm sau khi phỏng vấn hàng trăm phụ nữ Nga từng tham gia Thế chiến thứ Hai, hàng trăm bà mẹ Nga có con hy sinh ở chiến trường Afghanistan. Những cuốn sử truyền khẩu của bà là những bản giao hưởng của những giọng nói, những số phận. Alexievich so sánh việc nắm bắt nhân vật với quá trình vẽ chân dung. Mỗi cuộc gặp lại bồi đắp thêm các nét bút. Trên tinh thần đó, chúng tôi trở đi trở lại những chủ đề nhất định, những sự kiện quan trọng trong cuộc đời non trẻ của các nhân vật, mỗi lần lại trong một bối cảnh và tâm trạng khác nhau. Trò chuyện cùng tôi cũng là chất xúc tác khiến người trẻ suy ngẫm sâu hơn về đời mình. Nó kích hoạt trí nhớ, các kỷ niệm dần nổi lên bề mặt. Họ quay về hỏi người thân, có thể là lần đầu tiên, về một giai đoạn nhất định trong gia đình. Chúng tôi cùng nhau vẽ sơ đồ về đời họ, những nơi họ đã ở, những ngôi trường họ đã tới, những mối tình họ đã trải qua. Ký ức không phải là một băng ghi âm có thể bật lên mỗi khi cần, nó luôn được tạo dựng. Người ta không thể chạm vào thực tại, vào cái được gọi là sự thật, như cầm một cốc nước, người ta chỉ có thể tiệm cận nó, và dù những thành viên của một gia đình sống cạnh nhau trong một căn phòng hẹp, họ có thể tồn tại trong những thế giới vô cùng khác nhau.
 
Tôi và những người trẻ, chúng tôi ngồi bên nhau, từ mùa xuân năm trước tới mùa hè năm sau. Mỗi lần như vậy, có thể hàng tiếng đồng hồ trôi qua với những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày, rồi dần dần, họ chìm sâu hơn vào trạng thái suy tư, hồi tưởng, triết lý về cuộc đời. Họ bổ sung, soi sáng những gì mình đã nói, họ phủ nhận chính mình, họ mâu thuẫn, họ bất lực, không tìm được ngôn từ để diễn tả những gì mình đã hay đang trải qua. Ngồi đó và quan sát họ, tôi hay có cảm giác mình được mời bước vào một khu vườn kín mà từ trước tới nay chưa có ai bước vào. Nó vẫn đang biến động, và có lẽ chính chủ nhân cũng không bao giờ có thể khám phá hết mọi ngóc ngách của nó. Tôi thấy biết ơn khi được mời vào những khu vườn đó. Chúng khiến tôi khi mỉm cười, lúc thương xót, khi thấy ấm áp, lúc thấy băng giá. Trong nhiều khoảnh khắc, tôi cảm thấy thiêng liêng. Tôi cảm nhận được gánh nặng của việc làm người trên vai họ. Đây là thời điểm họ bước vào đường đời. Hành trình làm người độc lập của họ mới bắt đầu.

Cảm nhận từ độc giả

Sách cùng tác giả

Có thể bạn quan tâm

Mời bạn thảo luận hoặc đánh giá về sản phẩm này