Thêm một cuốn sách về Sài Gòn, lần này là của một tác giả không hề xa lạ với người đọc, một người nổi tiếng: nhà thơ Trần Tiến Dũng. Thơ ông gần đây cũng chất chứa dằn vặt nhiều sự tình, hình ảnh của Sài Gòn. Dùng cả thơ lẫn văn xuôi lẫn báo chí để “chuyển tải” Sài Gòn, bằng những chuyến xe ngày đêm không mệt mỏi, chắc chắn Trần Tiến Dũng có ý muốn tát cạn Sài Gòn cho riêng mình.
Và dĩ nhiên tác giả biết rõ Sài Gòn là một hiện thực to lớn. Cuốn sách thực chất là tập hợp những bài viết nhỏ như những mảnh kim loại châu tuần quanh khối nam châm Sài Gòn. Chiếm lĩnh những trang sách là dòng chảy thân thương của đời sống mà tác giả gọi là nhịp sống bình dân – cái nhịp điệu mà vô thức hay ý thức tác giả đã chọn để hòa cùng vừa với tư cách một cư dân vô danh, vừa với tư cách một nghệ sĩ, một trí thức. Người đọc sẽ nhận ra có rất nhiều sắc thái tình cảm đi kèm với mỗi bài viết dành cho Sài Gòn trong cuốn sách này Ai cũng biết Sài Gòn là một thành phố lớn, hiện đại bậc nhất của Việt Nam. Nhưng nếu chỉ biết vậy, thì cũng như thấy một bầu trời đầy sao, thấy một đại dương xa tận chân trời, thấy một tấm địa đồ mờ ảo. Một cái biết vô tư tưởng, vô tâm hồn.
Tôi không đọc nhiều sách của các tác giả khác viết về Sài Gòn nên không biết họ viết như thế nào, nhưng đọc “Sài Gòn, nhịp sống bình dân” của Trần Tiến Dũng tôi thấy ông luôn tuân theo nguyên tắc nắm bắt hiện thực: khi nhìn bao quát, khi nhìn cận cảnh. Đúng như “định nghĩa” của Blaise Pascal trong Pensées: “Một thị trấn, một vùng quê, nhìn từ xa đó là một thị trấn và một vùng quê. Nhưng, khi đến gần, đó là những ngôi nhà, cây cối, ngói, lá, cỏ, kiến, chân của kiến, đến vô cùng. Tất cả điều này được gói trong cái tên vùng quê.”