TIẾNG GỌI ĐÒ
Tiếng vọng từ ký ức nơi những bến nước, con đò hiện hữu
Đây là một cuốn sách song ngữ bao gồm tiếng Anh và tiếng Việt nhằm hướng đến cả độc giả nước ngoài muốn khám phá Việt Nam.
Tất cả ảnh đều in đen trắng, với 85 bức ảnh chọn lọc từ hàng ngàn bức đã chụp trong hơn ba mươi năm, từ 1987 đến 2018.
Đây là cuốn sách của đạo diễn phim, nhiếp ảnh gia; tuy nhiên đối tượng đọc rộng, không chỉ có những người làm nghề chuyên môn như tác giả mà đông đảo độc giả đều có thể khám phá ra những cái hay sau mỗi bức ảnh, mỗi câu chuyện và lời văn trong tác phẩm này.
NSND, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn là người đứng sau máy quay những bộ phim thuộc loại kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam như: “Hi vọng cuối cùng”, “Thị xã trong tầm tay”, “Trở về”, “Thương nhớ đồng quê”, “Hoa ban đỏ”, “Bến không chồng”, “Lạc lối”… Nguyễn Hữu Tuấn cũng từng tham gia các đoàn làm phim nước ngoài quay tại Việt Nam như “Đông Dương”, “Người tình”, “Người Mỹ trầm lặng”… Ông là môt người rất đỗi tài hoa. Ở lĩnh vực điện ảnh, ông quay hơn 30 bộ phim và được phong tặng danh hiệu NSND.
Tiếng gọi đò là cuốn sách đầu tiên của tác giả Nguyễn Hữu Tuấn về chủ đề Nhiếp ảnh. Cuốn sách bao gồm 85 bức ảnh chọn lọc từ hàng ngàn bức đã chụp trong hơn ba mươi năm, từ 1987 đến 2018 in đen trắng. Mặc dù sách ảnh là chủ yếu nhưng lạ lùng, cuốn sách lại cuốn hút từ đầu đến cuối trang sách bởi lối viết dung dị, dí dỏm và sâu sắc của ông.
Đặc biệt, chú thích trong sách đều là chữ viết tay của tác giả; chỉ cho ta thấy ảnh ấy chụp ở đâu, khi nào. Đôi nghĩ tác giả cũng kể lại câu chuyện khi qua mỗi chuyến đò ấy. Đồng thời cũng ghi lại những trải nghiệm xúc động đến phát khóc khi tác giả gặp được những “khoảnh khắc quyết định” đẹp đẽ, giản dị, bất ngờ và bất tận của cuộc sống.
Nguyễn Hữu Tuấn luôn hướng ngòi bút và ống kính của mình đến những con người bé nhỏ, vô danh. Ông cũng là người tự do, không bao giờ quan trọng cái gì quá. “Viết sách là tôi làm liều, vì tôi là người tung tăng, tôi tung tăng trên đường đi, tôi tung tăng trên trang giấy, trên toan, vì tôi tự do”. Nhưng chính cái sự “tự do”, làm liều không mục đích của ông lại để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm, kể cả trong cuốn sách của mình.