Thơ Nôm Lê Thánh Tông - Tìm Trong Di Sản Quốc Âm
Trương Hán Siêu là nhà thơ, nhà văn, một danh sĩ nổi tiếng, sống và hoạt động vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV dưới triều Trần. Trương Hán Siêu còn là một chính khách tên tuổi đã để lại những dấu ấn đậm nét trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Kể từ khi ông đi vào cõi vĩnh hằng tới nay đã 667 năm (1354-2021), có rất nhiều nhà sử học ghi chép về hành trạng, sự nghiệp của ông, cũng như luận bàn, bình phẩm về nhân cách của ông.
Cho dù có khá nhiều ý kiến khác nhau nhận định về Trương Hán Siêu, nhưng ông vẫn được lịch sử ghi nhận là một danh sĩ tính tình chính trực, học vấn sâu rộng. Các vua Trần rất tin cậy và tôn trọng ông, thường gọi là Thầy, mà không gọi tên. Sau khi Trương Hán Siêu qua đời, năm 1363, vua Trần Dụ Tông truy tặng ông chức Thái phó, và năm 1372, vua Trần Nghệ Tông cho ông được phối thờ ở Văn Miếu, Kinh đô Thăng Long. Trương Hán Siêu là một nhân vật nổi tiếng, một danh nho đương thời. Nhiều thế hệ Nhọ sĩ các đời sau đều nhất trí xem Trương Hán Siêu là một trong những trí thức Nho học chân chính, tiêu biểu của giai đoạn thịnh Trần.
Tác phẩm của Trương Hán Siêu còn lại không nhiều: 3 bài ký, 1 bài phú và 6 bài thơ. Bạch Đằng giang phú là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và cũng là bài phú nổi tiếng nhất trong số 13 bài phú chữ Hán hiện còn biết ở đời Trần (1225- 1400). Nét chủ đạo của ngòi bút Trương Hán Siêu là tinh thần yêu quý non sông đất nước, tự hào đối với truyền thống lịch sử vẻ vang, oanh liệt của dân tộc. Bên cạnh đấy, cũng bàng bạc trong thơ văn ông một sắc thái trữ tình hoài cổ, tuy không mấy nặng nề. Nghệ thuật ngôn ngữ của Trương Hán Siêu tinh tế, lắng đọng, man mác ở trong thơ, gân cốt chắc nịch trong phú, uyển chuyển, mềm mại trong ký.