Suốt đời Đường và đời Tống, từ đầu thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ thứ VIII, Trung Hoa có tám văn hào lớn nhất (bát đại gia), thì riêng họ Tô đã chiếm được ba rồi: Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt. Trong tám nhà đó, Tô Thức là người có tài nhất cả về cổ văn lẫn thơ phú. Ông không phải là sử gia hay triết gia, nên không lưu lại những tác phẩm dày như Sử ký, Thuỷ hử. Ông chỉ làm thơ, phú, viết những tản văn ngăn ngắn, vậy mà gom lại cũng thành một bộ toàn tập đồ sộ. Riêng về thi từ, ông có tới 1700 bài, lượng không thua gì Lý Đỗ, mà phẩm tuy xét chung không phiêu dật, kỳ đặc như Lý Bạch, không chua xót và đạt tới mức nghệ thuật tuyệt cao như Đỗ Phủ nhưng vừa khoáng đạt, tự nhiên vừa đẹp mà hùng, đáng đứng đầu các thi nhân đời Tống. Còn về cổ văn thì ai cũng thừa nhận rằng, trong bát đại gia không ai địch nổi, hễ hạ bút là thành văn, mà không lặp ý trước. Âu Dương Tu phải khen rằng hôm nào mà nhận được một bài văn hay một bài thơ của ông thì vui sướng suốt ngày, còn vua Thần Tôn đương bữa ngự thiện mà đưa đôi đũa lên, quên gắp món ăn thì ai cũng đoán ngay được là mải đọc văn Tô Thức.
Tô Đông Pha vừa là danh sĩ, vừa đóng một vai trò chính trị quan trọng nên gặp nhiều nỗi gian nan, đau lòng, và chép lại đời ông thì cần phải chép lại trọn lịch sử thời Bắc Tống. Vì vậy, trong cuốn sách này, ngoài ba cha con họ Tô, còn nhắc tới nhiều nhân vật khác như Tư Mã Quang, Âu Dương Tu, Trình Hạo, đặc biệt là Vương An Thạch, Lữ Huệ Khanh,... những người trong phe đối lập với Tô Đông Pha. Như vậy, độc giả vừa biết được đời ông, vừa hiểu thêm tình hình văn hoá, xã hội, chính trị thời đó nữa.