Lolita, hiện tượng bất thường bậc nhất của văn chương thế kỷ 20, được xuất bản lần đầu vào năm 1955 tại Paris, mặc dù viết bằng tiếng Mĩ. Cũng như mọi tác phẩm kỳ vĩ và có độ lệch chuẩn lớn, như tiểu thuyết của D. H. Lawrence hay của Anthony Burgess, khởi đầu của Lolita không hề suôn sẻ.
Giờ đây khi thực sự được đọc
Lolita, ta hiểu tại sao Vladimir Nabokov nâng niu nó đến vậy. Thoạt tiên bị nhìn nhận một cách giản đơn quá mức, Lolita dần thoát khỏi cái định kiến coi nó là tác phẩm thuần túy gợi dục, bởi Lolita chứa đựng nhiều, rất nhiều hơn thế: nó tinh vi dò xét tâm lý con người (dù không cần viện tới tâm phân học, mà thậm chí Nabokov còn luôn luôn tìm cách bài xích Sigmund Freud), và nó còn là những nước cờ ngôn từ kiệt xuất của một trong những thiên tài văn chương lớn nhất.
Đến giờ, dù cho bao năm tháng đã qua đi, Lolita vẫn cứ là một hiện tượng bất thường, và cô bé Lolita, “ánh sáng của đời tôi, tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi” trong trí tưởng của Humbert Humbert, vẫn bất tử trong dáng đứng thẳng cao chưa đầy một mét rưỡi và toàn bộ đặc tính của một “tiểu nữ thần” vĩnh viễn bất kham.
Từng bị từ chối, bị hắt hủi, bị chỉ trích, bị cấm đoán, nhưng Lolita cũng chính là tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại gần 40 quốc gia, đứng trong Top 100 tác phẩm xuất sắc nhất mọi thời đại, Top 10 tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất và thậm chí từng được tái bản 2 lần trong vòng 4 ngày khi xuất bản tại Mỹ - một kỷ lục đáng kinh ngạc với ngành xuất bản ở bất kỳ thời nào. Tiểu thuyết được viết bằng tiếng Anh, được xuất bản vào năm 1955 ở Paris, sau đó được chính tác giả Vladimir Nabokov dịch ra tiếng Nga và được xuất bản vào năm 1967 ở New York.
-----------------------------
Trong
Lolita, Humbert - nhân vật “tôi” - là giáo sư văn chương ở Paris, trạc 35 tuổi, đẹp trai. Tuy sống cùng với vợ nhưng Humbert không hề hứng thú tình dục với vợ mà luôn thầm tơ tưởng đến những cô gái 12, 13 tuổi để mong tìm lại thiên đường đã mất khi người yêu thời nhỏ của mình là Annabel đã chết vì bệnh hiểm nghèo. Ông ta chẳng mảy may buồn phiền gì khi vợ mình bỏ theo một người đàn ông khác. Bà chủ nhà trọ chỗ Humbert ở là Charlotte Haze yêu ông ta nhưng ông ta chẳng hề thấy hứng thú gì nơi người đàn bà góa phụ này, ngược lại Humbert lại yêu cô con gái tên là Lolita mới 12 tuổi của bà ta. Humbert chấp nhận lấy bà chủ nhà để được gần gũi với Lolita. Hàng ngày ông ghi vào nhật kí những cảm xúc dạt dào với đứa con riêng của vợ đang tuổi dậy thì. Rồi có ngày vợ ông lục tủ và phát hiện ra bí mật khủng khiếp trong tâm hồn của chồng được ghi trong cuốn nhật kí. Trong trạng thái hoang mang tột độ, bà vợ bị xe cán chết trên đường ra bưu điện gửi thư cho con gái đang ở trại hè.
An táng vợ xong, Humbert đến chỗ Lolita sinh hoạt trại hè để đưa cô đi hết thành phố này đến thành phố khác, tối đến con gái và cha dượng lại bên nhau như một cặp tình nhân thực sự. Song, một hôm, Lolita bỏ Humbert để theo một người đàn ông khác là Clare Quilty. Ông gần như phát điên, tìm Lolita khắp nơi nhưng mấy năm sau ông mới tìm thấy Lolita đang mang thai với người chồng hơn cô vài tuổi. Mặc dù đang 17 tuổi nhưng Lolita trông xuống sắc kinh khủng. Humbert quá đau đớn vì hình ảnh nữ thần trong tim ông nay đã chết. Ông đã hành động để bảo vệ tình yêu bé nhỏ, trong sáng ngày nào mà mình từng yêu mến đến cuồng nhiệt. Thứ tình yêu điên cuồng đã bùng phát trong ông nhưng liệu cuối cùng, ông có chiếm lại được cảm tình của Lolita như ngày nào?
Sẽ có nhiều bài học về đạo đức, lối sống, tinh thần hay văn chương để người ta nói về Lolita nhưng hiển hiện rõ nét trong mỗi trang sách là sự nhảy múa rực rỡ của ngôn ngữ đi cùng với những liên tưởng mãnh liệt và sống động trong suy nghĩ của Humbert. Điều đó trở thành một cái bẫy ngọt ngào mà Vladimir Nabokov dựng nên. Nguời đọc sẽ cảm thấy đồng cảm với Humbert ở một khía cạnh nào đó, sẽ ham muốn cái mà Humbert cũng ham muốn dù ông biết không khi nào sở hữu được:
Lolita.