Bố Già (Ấn Bản Kỉ Niệm Năm Mươi Năm Xuất Bản Lần Đầu)
Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố Già là sự gặp gỡ giữa một bên là ý chí cương cường và nền tảng gia tộc chặt chẽ theo truyền thống mafia xứ Sicily với một bên là xã hội Mỹ nhập nhằng đen trắng, mảnh đất màu mỡ cho những cơ hội làm ăn bất chính hứa hẹn những món lợi kếch xù. Trong thế giới ấy, hình tượng Bố Già được tác giả dày công khắc họa đã trở thành bức chân dung bất hủ trong lòng người đọc. Từ một kẻ nhập cư tay trắng đến ông trùm tột đỉnh quyền uy, Don Vito Corleone là con rắn hổ mang thâm trầm, nguy hiểm khiến kẻ thù phải kiềng nể, e dè, nhưng cũng được bạn bè, thân quyến xem như một đấng toàn năng đầy nghĩa khí. Nhân vật trung tâm ấy đồng thời cũng là hiện thân của một pho triết lí rất “đời” được nhào nặn từ vốn sống của hàng chục năm lăn lộn giữa chốn giang hồ bao phen vào sinh ra tử, vì thế mà có ý kiến cho rằng “Bố Già là sự tổng hòa của mọi hiểu biết. Bố Già là đáp án cho mọi câu hỏi”.
Với cấu tứ hoàn hảo, cốt truyện không thiếu những pha hành động gay cấn, tình tiết bất ngờ và không khí kình địch đến nghẹt thở, Bố Già xứng đáng là đỉnh cao trong sự nghiệp văn chương của Mario Puzo. Và như một cơ duyên đặc biệt, ngay từ năm 1971-1972, Bố Già đã đến với bạn đọc trong nước qua phong cách chuyển ngữ hào sảng, đậm chất giang hồ của dịch giả Ngọc Thứ Lang, làm nên một dịch phẩm kinh điển. Nay, nhân kỉ niệm năm mươi năm ra mắt tác phẩm (1969 - 2019), Đông A xin trân trọng mang đến cho bạn đọc phiên bản đặc biệt với phụ bản tranh minh họa của 12 họa sĩ đương đại Việt Nam, như dịp tái ngộ đầy cảm xúc với những ai yêu mến Bố Già.
Vài nét về tác giả:
Mario Puzo (1920 - 1999) là nhà văn, nhà biên kịch người Mỹ gốc Italy nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết về đề tài mafia và tội phạm. Bố Già (The Godfather) xuất bản năm 1969 là đỉnh cao của dòng văn chương hư cấu này, đồng thời là tác phẩm đưa Puzo lên tột đỉnh vinh quang. Đây cũng là một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất mọi thời đại. Ngoài Bố Già, Mario Puzo còn nổi tiếng với các tiểu thuyết khác như Đất máu Sicily, Luật im lặng, Ông trùm cuối cùng, Cha con Giáo hoàng…
Vài nét về dịch giả:
Ngọc Thứ Lang tên thật là Nguyễn Ngọc Tú, biệt danh là công tử Bắc Kỳ, vào Sài Gòn lập nghiệp khoảng năm 1950. Ngọc Thứ Lang là dịch giả của thời kì trước năm 1975, đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nhưng có lẽ Bố Già là một dấu son trong sự nghiệp của ông.
Năm 1972, bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh ra mắt và đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều độc giả. Nếu như The Godfather của Mario Puzo khi vừa xuất bản đã nằm trong danh sách sách bán chạy nhất suốt 67 tuần thì Bố Già của Ngọc Thứ Lang cũng “làm mưa làm gió” trên thị trường văn học dịch của Sài Gòn những năm 70 của thế kỉ trước.
Cái hay, cái khiến người đọc say mê Bố Già có lẽ nằm ở chính giọng văn đậm chất giang hồ súng đạn của người dịch. Và bản thân cái tên Bố Già cũng là một sáng tạo vô tiền khoáng hậu của Ngọc Thứ Lang. Nhiều độc giả Việt Nam nói rằng nếu đọc The Godfather của Mario Puzo, hãy tìm đúng bản dịch của Ngọc Thứ Lang để thấy chất đàn ông trong đó…