“Người tình hào hoa” là tiểu thuyết thứ hai của
Maupassant, lấy bối cảnh thủ đô Paris nước Pháp vào thời ông sống - những năm cuối thế kỉ 19. Cuốn tiểu thuyết xoay quanh Georges Duroy, một cựu binh trẻ tuổi, điển trai với chòm ria mép cong thời thượng bấy giờ, và hành trình leo lên tới quyền lực và danh vọng của anh ta, thông qua những mối tình với những người phụ nữ giàu ảnh hưởng. Câu chuyện bắt đầu khi Duroy, sau ba năm phục vụ quân ngũ tại Algeria và một thời gian ngắn làm một nhân viên văn phòng đường sắt, hiện đang sống cảnh thiếu thốn, tình cờ gặp lại Forestier, một đồng đội cũ, một nhà báo có vị trí trong báo giới Paris, và được giới thiệu vào làm trong tòa báo Đời Sống Pháp. Tại đây, Duroy bắt đầu với vai trò một người đưa tin vặt, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Madeleine, vợ của Forestier, anh nhanh chóng leo lên những vị trí cao hơn. Cùng thời gian này, Duroy được giới thiệu với những nhân vật lớn trong báo giới cũng như giới chính trị ở Paris trong phòng khách nhà Forestier, anh bắt đầu mối quan hệ với một người bạn của Madeleine, Clothide de Marelle, một thiếu phụ xinh đẹp. Duroy cũng cố gắng tán tỉnh Madeleine nhưng cô đề nghị cả hai giữ mối quan hệ bạn bè.
Một thời gian sau, Forestier qua đời. Madeleine tái giá với Duroy và cả hai trở thành một cặp đôi mạnh mẽ trong báo giới và bắt đầu có những tác động vào giới chính trị gia ở Paris. Duroy, lúc này đã là Ông Du Roy, thì vẫn luôn mặc cảm về vai trò của mình so với vợ và bắt đầu những cơn ghen tuông và sau này là thương hại đối với Forestier. Một số người ở tòa báo cũng gọi anh là Forestier nhằm chế giễu khiến Du Roy tức giận và mối quan hệ giữa anh và vợ trở nên căng thẳng. Du Roy tán tỉnh vợ của ông chủ mình, bà Walter và trở thành tình nhân đầu tiên của bà này. Rồi anh nhanh chóng chán bà ta và khó chịu khi không thể cắt đứt được bà. Tới một lúc, Du Roy theo dõi vợ mình và rồi gọi cảnh sát tới bắt quả tang cô ta đang ngoại tình với một chính trị gia. Hoàn tất thủ tục li hôn, Du Roy kết hôn với Suzanne Walter, con gái của ông chủ và tình nhân cũ. Lễ cưới được tổ chức linh đình với sự có mặt của nhiều nhân vật lớn, là một sự kiện đình đám tại Paris lúc bấy giờ.
Đọc
“Người tình hào hoa” giống như đọc “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng) phiên bản Pháp.
Maupassant viết về một kẻ hãnh tiến trên con đường tham vọng của anh ta, cũng là viết về sự tha hóa của những nhân cách trước danh vọng, giàu có và quyền lực. Người đọc bị cuốn vào hành trình ấy để rồi tới lúc nào chợt nhận ra anh chàng điển trai của mình từ đầu truyện đã trở thành cái gì đó khác rồi, người hùng bỗng nhiên trở thành kẻ ác, cái đẹp bỗng nhiên bao chứa cái mục ruỗng và hình như chẳng có gì thật sự đẹp trong cái đô thị nhớp nhúa này nữa cả. Tất cả những điều ấy được
Maupassant thể hiện bằng một giọng phớt tỉnh ở ngôi thứ ba đơn điểm nhìn, chừng như ông chẳng có ý kiến gì hết cả,
“vì đời là như thế”. Thậm chí câu chuyện khép lại bằng một đám cưới, một bước tiến, một bậc thang nữa của kẻ hào hoa kia, không ai phải trả giá, chẳng có
“báo ứng” nào sớm sủa cả. Kết lại thiên tiểu thuyết đầy rẫy những lầy lội là một cái nắm tay, và một thông điệp bằng ánh mắt, về tình yêu. Về tình yêu?! Rốt cuộc vẫn cứ là tình yêu. Vậy nên đó mới là
“Người tình hào hoa”.
- Minh Quân -
-------------------
Tác giả:
Guy de Maupassant (1850-1893), nhà văn Pháp tiêu biểu của thế kỷ XIX, tập trung sáng tác trong khoảng 10 năm (1880-1890) với thành quả là hơn 300 truyện ngắn, 6 tiểu thuyết, 200 bài báo, nhiều bút ký, kịch, thơ.
Cùng với Anton Chekhov (Nga) và O. Henry (Mỹ),
Maupassant được xem là một trong ba nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc nhất thế giới.
Một số tác phẩm nổi tiếng của ông:
“Viên mỡ bò” (Boule de Suif),
“Bố của Simon” (Le Papa de Simon),
“Một cuộc đời” (Une vie),
“Người tình hào hoa” (Bel Ami)...
Hơn 100 năm trôi qua,
Maupassant vẫn là một trong những nhà văn lãng mạn ăn khách nhất thế giới.
“Bel Ami” đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, tiểu thuyết cũng gợi hứng cho hãng Hermes tung ra dòng nước hoa mang tên Belami.