Những ngọn nến cháy tàn được xuất bản lần đầu tiên năm 1942. Từ đó tới nay, cuốn tiểu thuyết này đã được tái bản nhiều lần và được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, được chuyển thể thành kịch bản đưa lên sân khấu ở nhiều nước và dựng thành phim. Là một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất tại Hungary và nhiều nước trên thế giới.
Đây là câu chuyện về tình bạn, tình yêu, lòng chung thủy và sự phản bội, được tác giả kể lại với một bút pháp mang hơi hướng cổ điển, ngắn gọn, sâu sắc, nhưng cũng hết sức hấp dẫn.
Đó là câu chuyện của hai người bạn già, họ quen biết, kết thân với nhau từ tuổi niên thiếu, nay gặp lại nhau sau hơn bốn chục năm xa cách. Trong một đêm, bên ánh nến, họ đã nói chuyện với nhau tới sáng. Họ cùng nhớ lại những kỉ niệm từ thời trai trẻ, tới lúc một trong hai người bỏ xứ ra đi. Trong khi làm sống lại quá khứ, một người đã trở thành phạm nhân, người kia trở thành kẻ phán xét. Một người trước khi ra đi đã phản bội người kia, thậm chí đã suýt giết chết bạn, quyến rũ vợ bạn, làm tan nát cuộc đời bạn mặc dù đã có một thời họ coi nhau như anh em ruột thịt.
Những ngọn nến cháy tàn được viết với một bút pháp bậc thầy, đúng như tờ The Observer đã nhận xét: “Bi thương, ảm đạm, ngọt ngào và ấn tượng. Những ngọn nến cháy tàn là một bản luận văn chói lọi về tình bạn. Một sự tiếp cận văn học đầy tham vọng, một tác phẩm vô cùng minh triết...”. Còn tờ Sunday Times thì dành cho tác phẩm và tác giả những lời đánh giá cao nhất: “Với chiến thắng của cuốn tiểu thuyếthai trăm trang này, nền văn học thế kỉ 20 - mà chúng ta nghĩ đã hoàn toàn cáo chung và yên bề - đã nhận được một món quà muộn từ một bậc thầy mới, mà từ nay chúng ta có thể xếp cùng hàng với Joseph Roth, Stefan Zweig, Robert Musil và những bậc thánh xa xôi khác, như Thomas Mann và Franz Kafka. Bậc thầy ấy là Márai Sándor.”
Thông tin tác giả:
Márai Sándor
Márai Sándor họ Grosschmid, sinh ngày 11.4.1900, tại Kassa, Hungary, nay là Kocise thuộc nước Cộng hòa Slovakia. Năm 1923, Márai sang Paris, lưu lại năm năm. Năm 1926 ông bắt đầu hành trình dài ngày tìm hiểu vùng Cận Đông và viết cuốn Theo dấu chân các bậc thánh (Istenek nyomában), xuất bản năm 1927. Thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Márai là khoảng từ năm 1928 đến năm 1948, khi ông trở về sinh sống tại Hungary cùng vợ. Ông làm thơ, viết tiểu thuyết, dịch thuật, viết kịch bản và để lại gần một trăm đầu sách, trong đó có những tiểu thuyết nổi tiếng như Casanova ở Bolzano, Di sản của Eszte, Những ngọn nến cháy tàn, Nhật ký, Lời bộc bạch của một công dân… Márai cũng là bậc thầy của thể đoản văn, những suy niệm của ông bao giờ cũng mang âm hưởng triết lý, cô đọng. Márai được bầu là Viện sĩ Thông tấn năm 1942 và Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hungary năm 1945. Từ 1948, ông sống lưu vong tại Ý và Mỹ. Tác phẩm của Márai đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và ông được xếp trong số những nhà văn lớn nhất của châu Âu thế kỷ XX.