Nguyễn Văn Hầu (1922-1995) là nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử nổi tiếng với những nghiên cứu về vùng đất Nam bộ. Ông có nhiều công trình giá trị về lịch sử, văn học miền Nam, được xem là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về vùng đất Nam bộ bên cạnh Sơn Nam, Vương Hồng Sển,...
VĂN HỌC MIỀN NAM LỤC TỈNH là bộ di cảo được ông dày công soạn thảo lúc cuối đời, khái quát về quá trình phát triển của văn học miền Nam qua các thời kỳ lịch sử, với nhiều nét đặc trưng, các tác giả và sáng tác tiêu biểu. Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Văn Hầu lưu tâm đến các bộ phận khác nhau trong nền văn học: từ văn học truyền miệng đến văn học viết, từ văn học Hán - Nôm đến văn học chữ Quốc ngữ.
Miền Nam Việt Nam là vùng đất có nhiều biến động trong tiến trình lịch sử, nên đời sống văn học nơi đây cũng có nhiều nét riêng thú vị. Nhà văn Nguyễn Văn Hầu đã kỳ công tham khảo, đối chiếu vô số tư liệu khác nhau (tiếng Pháp, tiếng Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ) để soạn thảo bộ sách này, nhằm giúp độc giả hiểu biết thêm về một chặng đường, một bộ phận của nền văn học nước nhà.
Được Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu lần đầu năm 2012, nay ba tập VĂN HỌC MIỀN NAM LỤC TỈNH tái bản với hình thức trang trọng, là tư liệu quý xứng đáng có mặt trên kệ sách những người yêu văn học, yêu lịch sử, thích tìm hiểu về văn hóa quê hương.
Bộ sách gồm 3 tập:
1. Miền Nam và văn học dân gian địa phương
2. Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới
3. Văn học Hán Nôm và văn học Quốc ngữ thời kháng Pháp và thuộc Pháp