'Đà Linh - Trí thức dấn thân' - sách về người làm sách
Cuốn sách do những nhà văn, học giả viết về Đà Linh - Nguyễn Đức Hùng, qua đó cho thấy chân dung một người làm xuất bản có tâm và có tầm.
Đà Linh tên thật là Nguyễn Đức Hùng (bút danh khác là Đa Huyên). Ông sinh năm 1958 tại Quảng Nam, mất ngày 30/9/2013 tại Hà Nội. Ông là nhà văn, dịch giả, sáng tác nhiều truyện ngắn, dịch nhiều tác phẩm từ tiếng Pháp. Trong vai trò Phó Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng, Đà Linh đã nâng đỡ, xuất bản được nhiều cuốn sách khó như Ba người khác (Tô Hoài), Trần Dần - Thơ, Bóng đè (Đỗ Hoàng Diệu), Cõi người rung chuông tận thế (Hồ Anh Thái)...
Là người có tâm, có tầm trong công việc, cố Tổng biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng được nhiều bạn bè trân quý. Cuốn sách Đà Linh - Trí thức dấn thân được thực hiện bởi các nhà văn, nhà thơ, học giả, bạn bè nhân giỗ đầu của anh.
Nhà văn Lê Anh Hoài là chủ biên cuốn sách. Anh giải thích về cụm từ "trí thức dấn thân": Người dấn thân luôn hướng công việc tới sự tiến bộ, đi đầu, nhưng vấp phải khó khăn, cần sự hy sinh, chịu tất cả khó khăn của kẻ mở đường. Đà Linh gặp nhiều trắc trở khi làm xuất bản, nhưng anh kiên quyết làm cho được những cuốn sách hay, sách tốt.
Sách chia làm hai phần, phần một "Đà Linh trong mắt bạn bè" tập hợp bài viết của hơn 30 nhà văn, bạn bè nói về Nguyễn Đức Hùng. Phần hai "Tác phẩm của Đà Linh" là tuyển chọn những sáng tác của anh.
Trong phần đầu, các tác giả viết về con người, tính cách, và những kỷ niệm về Đà Linh. Xúc động nhất là những bài viết của các nhà văn có tác phẩm khó in, được Phó Giám đốc NXB Đà Nẵng nâng đỡ. Tác giả Trần Trọng Vũ (con trai cố nhà thơ Trần Dần) kể về kỷ niệm thực hiện cuốn sách Trần Dần - Thơ. Bản thảo cuốn sách đã bị từ chối bởi rất nhiều nhà xuất bản trong Nam, ngoài Bắc. Chỉ khi tới tay Đà Linh, anh vẫn quyết tâm cho ra bằng được cuốn sách, mặc dù có nhiều trắc trở xảy đến.
Kể về việc làm cuốn sách Cõi người rung chuông tận thế, nhà văn Hồ Anh Thái nhiều lần nhắc tới những khó khăn, mạo hiểm mà Nguyễn Đức Hùng đương đầu: "Mỗi lần ra một cuốn sách như vậy, Đà Linh phải chịu nhiều chuyện đau đầu, hao tâm tổn trí".
Theo nhà nghiên cứu văn học Cao Việt Dũng, những năm 2005, 2006, 2007 xuất bản Việt Nam có một cuộc bùng nổ. Anh gọi 2006 là năm của Nguyễn Đức Hùng: "Hồi ấy, sức ép không hề nhỏ; đến cuối năm, nhiều cuốn sách 'qua tay' anh đã bị bêu tên một cách nặng nề trên báo chí. Giai đoạn bùng nổ ấy lên đến cao trào, và chững lại ở cuốn Trần Dần - Thơ. Nó chính thức xuất hiện vào đầu năm 2008, vẫn với vai trò to lớn của anh Nguyễn Đức Hùng... Nội vụ các diễn biến ngay trước và sau khi cuốn sách ra đời xứng đáng trở thành đối tượng cho một nghiên cứu trường hợp về lịch sử xuất bản Việt Nam. Và bản thân bản thảo sau khi qua bàn tay anh Nguyễn Đức Hùng gửi trả lại để chuyển bị đem in cũng xứng đáng được trưng bày trong bảo tàng ngành xuất bản".
Vừa là chủ biên cuốn sách, vừa là người bạn thân của Nguyễn Đức Hùng, nhà văn Lê Anh Hoài nói: "Toàn bộ công việc Đà Linh đã làm, cũng có thể gọi là một quá trình phản biện xã hội. Chỉ có điều anh không ồn ào khoa trương. Anh không đăng đàn diễn thuyết. Anh làm trong lặng lẽ, với thái độ của một trí thức cầu thị văn hóa, đứng về sự tiến bộ".
Nhà văn Ma Văn Kháng cũng cho rằng Đà Linh là người dấn thân: "Nghề văn là một nghề khó khăn, đặc biệt, lạ lùng, đôi chút tình cờ. Chỉ với một ngọn bút mà gói mở hư vô'. Một định nghĩa về nghề văn quá ư đặc sắc của Đà Linh. Nó cho ta thấy chỉ những người đã dấn thân thật sự và ngày đêm đau đáu nghĩ suy mới có thể nói sâu sắc đầy đủ chính xác về nghề đến như thế".
- Lam Thu
Theo Vnexpress.net