Lời nói đầu
Nguyễn Tuân (1910-1987) là một trong số các tác gia lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông đã được lựa chọn, đưa vào dạy học trong nhà trường trung học phổ thông. Sau khi ông qua đời, đã có nhiều cuốn sách có giá trị công bố những bài viết bổ ích về thân thế và sự nghiệp sáng tác của ông.
Sách Nguyễn Tuân - chuyện văn, chuyện đời được sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn theo một cách thức mới và một tinh thần mới. Với mục đích mang đến cho bạn đọc những hiểu biết phong phú, đa dạng về phong cách sống, phong cách sáng tác của nhà văn, chúng tôi đã tuyển chọn những bài dạng kể chuyện hấp dẫn, bổ ích về tác giả và bên lề tác phẩm, không đăng lại những bài nghiên cứu, phê bình, chân dung văn học mang tính học thuật cao mà bạn đọc từ lâu đã không còn xa lạ nữa.
Cuốn sách nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc rộng rãi từ học sinh, sinh viên, nhà giáo, các nhà nghiên cứu đến tất cả những ai ngưỡng mộ nhà văn Nguyễn Tuân và sự nghiệp của ông.
Sách được chia làm ba phần:
Phần I. Con người lãng tử, hào hoa, bao gồm các bài viết về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, các sở thích, quan niệm... của Nguyễn Tuân về cuộc đời và nghệ thuật.
Phần II. Khi con chữ vào trang giấy, gồm những bài viết liên quan đến quá trình sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
Phần III. Chuyện vui và giai thoại, gồm những mẩu chuyện nhỏ, chủ yếu thể hiện những nét cá tính, phong cách độc đáo của nhà văn.
Việc sắp xếp các bài trong sách thành ba phần như trên chỉ mang tính tương đối. Trong khuôn khổ có hạn của cuốn sách, ở hầu hết các bài, người biên soạn đều biên tập lại, sửa nhan đề, cắt đi một vài đoạn nhằm tập trung vào nội dung chính; nếu bài được rút ra từ một cuốn sách trọn vẹn thì chọn đoạn trích nào đó thích hợp. Bên dưới từng bài đều có nêu xuất xứ để bạn đọc dễ tìm hiểu văn bản mà người sưu tầm đã sử dụng.
Do sách tuyển chọn bài của nhiều tác giả, đăng ở nhiều nơi trong nhiều năm, trong đó có những bài không phải là bản đăng đầu tiên, cho nên khó tránh khỏi sai sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
(theo Phạm Đình Ân)