"Có những chặng đời đi qua, khi hồi tưởng lại ta thở phào nhẹ nhõm, ngạc nhiên tự hỏi làm sao mà ta thoát được an toàn vậy. Tùng Thiện Vương diễn tả ý này trong câu thơ tuyệt bút: Giang hồ kế vãng bạch âu kinh (kể lại chuyện cũ trên giang hồ, còn chim bạch âu nghe mà khiếp hãi). Chắc hẳn khi từ giã cõi đời ta sẽ ngạc nhiên tự hỏi: “Tại sao ta sống được đến lúc này!”. Nhưng có một chặng đời để lại trong tôi một niềm hỉ lạc vẫn còn âm hưởng mãi, ấy là khoảng thời gian độc cư ở núi rừng. Am tranh nằm dưới chân một ngọn đồi thoai thoải xuống con suối hẹp thông ra một nhánh sông nhỏ. Ngọn đồi còn nguyên vẹn chưa được khai thác, chỉ dăm ba nóc nhà ở rải rác cạnh đất trồng trọt. Kỳ dư toàn là cỏ xanh và thông. Mùa xuân năm ấy, dạo lên đỉnh đồi, tôi gặp vô số hoa dại nở trên cỏ và trong những hốc đá. Hoa đang thi nhau leo lên đỉnh đồi trong một cuộc hành hương đi viếng chúa Xuân.
Độc hành độc bộ giữa thiên nhiên u tịch nhưng tràn trề sức sống, tôi liên tưởng đến một ngọn đồi thông ở Đà Lạt chi chít mồ mả. Nơi đây, tuyệt không một nấm mồ. Thì ra nơi nào càng đông người càng lắm mồ mả, hiện tượng chết chóc xảy ra càng nhiều ở nơi có nhiều người sống. Trên ngọn đồi hoang vu sáng mùa xuân nọ, tôi bỗng thâm nhập lời kệ trong kinh Thủ-lăng-nghiêm: “sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền”. Tịch diệt không phải là cái gì đối lập với sinh diệt, mà là một trạng thái vượt ngoài sinh diệt, hệt như ngọn đồi sáng mùa xuân ấy, không có gì ồn náo thuộc đời sống con người (sinh), nhưng cũng không có vẻ gì chết chóc của bãi tha ma (diệt). Nó ở ngoài sự sinh diệt của con người. Tình trạng vượt ngoài sinh diệt ấy có lẽ là Niết-bàn tịch diệt, không còn đối đãi giữa sống và chết."
TRÍCH “TỊCH MỊCH KÝ - MÙA XUÂN NHỚ RỪNG”
Mục lục:
Mùa Xuân Nhớ Rừng
Sợ Và Run
Cái Đang Là
Một Mùa An Cư
Tịch Mịch Ký
Vườn Xưa
Xá Tội Vong Nhân
Con Kiến
Sự Thật Khó Nghe
Đường Đi Năm Cũ
Sống Đạo
Chùm Hoa Thiên Lý
Dư Âm Từ Phụ
Những Ngày Chưa Xa
Chị Ơi, Mẹ Không Còn Nữa!
Tiêu Diêu Ký
Tình Yêu Vô Trú
Chó Và Mèo
Bụi Nào Lấm Được
Lòng Thương Như Phật
Sát-Na Vĩnh Cửu
Khổ Và Niết-Bàn