Nhà thơ – văn Lê Minh Quốc thừa nhận rất thật thà là bẩm sinh đã sợ đàn bà. Thế nhưng dù sợ đàn bà nhưng Lê Minh Quốc cho biết vẫn không thể sống thiếu họ. Anh vừa sợ nhưng không thể trốn tránh nỗi sợ của chính mình, thậm chí còn “yêu nồng nàn” nỗi sợ đó nữa. Anh nghĩ như vầy:
- Nghĩ về đức tính của họ - phụ nữ - tôi luôn xác tín rằng, dù vài ngàn năm sau nữa khoa học kỹ thuật của nhân loại tiến bộ đến cỡ nào, có thể định cư trên Sao Hỏa, chơi golf trên Mặt Trăng, thay đổi quan niệm về Cái Đẹp thì cũng không thể lý giải được về đức tính thủy chung của phụ nữ. Đố ai có thể khám phá và lý giải ngọn ngành. Mãi mãi là một bí ẩn. Ngay từ lúc oe oe chào đời, sự bí ẩn ấy đã hình thành từ trong máu thịt họ rồi. Tôi “nịnh đầm” quá chăng? Không đâu. Nếu ai đó bị phản bội, “cắm sừng”, đừng nên trách họ phụ bạc, “tham tài bỏ nghĩa” và trút lên đầu bao nhiều ngôn từ xấu xa nhất mà hãy tự hỏi chính mình. Xin nhấn mạnh, hãy tự hỏi chính mình.
- Bản chất “đi săn” không có trong máu của đàn bà, chỉ có thể của đàn ông mà thôi.
Thời trẻ, tôi không tin vào tử vi, tướng số nhưng rồi nay tôi có tin đôi chút, nhất là tin hôn nhân là do sắp xếp của số phận. Đến với một người, có thể ăn đời ở kiếp với nhau và sinh con đẻ cái, gìn giữ nòi giống ắt phải có duyên nợ với nhau. Duyên nợ thế nào? Từ kiếp trước hay kiếp này? Tôi không biết. Nhưng chắc chắn là có. Nếu không, làm sao ta lý giải ở thời điểm nọ, ta có thể chết chỉ vì cái nguýt mắt, hắt hơi của người đó. Mà sau đó, mọi sự liên quan đến người ấy ta lại dửng dưng cứ như thể người dưng nước lã chưa từng gắn bó máu thịt?
Tôi tự trả lời thế nào về chính mình?
Vậy thì mình cùng học cách ứng xử cùng hạnh phúc, lỡ như hạnh phúc có rời xa chúng ta thì sao nhỉ? Phải thương lấy chính mình chứ sao. Hãy tập cách buông bỏ những điều không còn tốt đẹp , chớ buông bỏ bản thân nhé. Hạnh phúc, hai tiếng ngọt ngào ấy, không khoảnh khắc nào lại không vang lên trên khắp thế giới này.
Nhưng Hạnh phúc là gì mà ai cũng khao khát và cầu mong thế? Có hàng tỷ định nghĩa về Hạnh phúc. Chắc bạn, ít nhất cũng đã từng hơn một lần định nghĩa về Hạnh phúc. “Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, có người nào đó để yêu, và có điều gì đó để hy vọng”. “Hạnh phúc không phải là được rất nhiều người yêu, mà là được một người yêu rất nhiều”… Nhưng nói chung, Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc khi người ta có được, đạt được cái gì đó làm thỏa mãn mong muốn của mình.
Nhưng làm thế nào để có Hạnh phúc? Có người đưa ra những nguyên tắc để có Hạnh phúc: “Tập tha thứ, bớt lo lắng, sống đơn giản, cho đi nhiều hơn và đừng trông đợi quá nhiều”. Người khác lại cho rằng: “Cảm nhận nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, chấp nhận nhiều hơn, trân trọng nhiều hơn và yêu thương nhiều hơn”. Một câu hỏi có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Chính điều đó là sự biểu hiện muôn màu muôn vẻ của đời sống không bao giờ là đơn giản. Và mỗi người muốn có được Hạnh phúc cũng không hề giản đơn.
Với Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc, dường như đây là một cẩm nang “tháo ngòi nổ” cho quả nổ đang nấp rình đâu đó có nguy cơ phá vỡ Hạnh phúc trên hành trình của yêu thương.
Từ những câu chuyện “thất hứa” đến chuyện “lục đục trong phòng ngủ”. Từ việc “tặng quà” phải tâm lý như thế nào đến việc “thần khẩu hại xác phàm”. Từ cách “nịnh đầm” không khéo lại hóa “gậy ông đập lưng ông” đến cách “nói thật” cũng đâu phải dễ. Từ chuyện “lục đục nội bộ” đến sau những phút giây “ngoài chồng ngoài vợ”… đều được tác giả khai thác, phân tích và hóa giải một cách thấu đáo và hóm hỉnh.
Cuốn sách này với rất nhiều hứng thú, bất ngờ, khám phá thêm nhiều trạng huống éo le hay đơn giản trong tình yêu, hôn nhân hay cuộc sống gia đình, cơ quan, bè bạn. Dù chưa phải là tất cả, nhưng 49 tạp bút được lựa chọn ở đây cũng cho ta cả một đời sống tâm lý thật phong phú, để ứng xử khôn ngoan và lễ độ cùng Hạnh phúc. Mời bạn hãy đọc cuốn sách này, "Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc." Tôi tin, bạn sẽ thấy mình trong đó.