TIỂU DẪN
Trong sách có nói: "Hình dáng của mỗi người tuy đều có vẻ khác nhau, nhưng âm dương tạng phủ thì cũng như nhau, cho nên phép chữa trăm bệnh xét cho cùng thì cũng như chữa một bệnh, phép chữa một bệnh suy rộng ra thì cũng như chữa trăm bệnh. Bởi vì, các bệnh tuy tên gọi khác nhau nhưng tóm lại không ngoài trạng thái hư thực của khí huyết, thịnh suy của âm dương. Khí huyết là tác dụng, âm dương là thực thể. Sách nói: "Người ta bẩm thụ được đầy đủ khí âm dương để sinh tồn, khi âm đã suy, dương đã tách rời thì ứng phó với sự việc sẽ mơ hồ, âm thăng bằng, dương kín đáo thì tinh thần sẽ tự ổn định, âm lìa tan, dương hư thiếu thì tinh thần sẽ tuyệt. Sự sinh lão bệnh tử của con người đều có quan hệ với hai khí âm dương ấy". Còn như cách chữa thì có câu: "Biết được điều cốt yếu, chỉ một lời là rõ hết, không biết được điều cốt yếu thì lan mau vô cùng". Lại có câu: "Biết được chứng ngọn, chỉ tìm gốc bệnh mà chữa thì nghìn người không sai một" đó cũng là ý nghĩa biết được điều cốt yếu. Nhưng các bậc hiền triết khổ tâm dạy đời, sợ người đời không hiểu rõ, nên viết nhiều sách vở, chia phương biện chứng, nhưng phương thư càng viết ra nhiều thì nghĩa lý càng rườm rà, làm cho người học khó hiểu ở lý luận, khó hiểu nghĩa ở ngoài lý luận nữa, mờ mịt như người vượt bể muốn hỏi bờ bến, tự mình nhầm lẫn, được cái này quên cái khác. Tôi chữa bệnh đã hai mươi năm nay, kinh nghiệm đã nhiều, biết được những điều cốt yếu, muốn giúp người sau có đường tắt để đi, có nhà để vào, vận dụng hết tinh thần, xem hết mọi sách, bỏ cái sai lấy cái đúng, hợp với ý kiến của mình mà chọn lọc lấy cái tinh ba, nắm điều cốt yếu để làm then chốt của nghề y, làm kim chỉ nam trong lâm sàng, đều là những lời truyền thụ tinh vi, là đề cương chữa bách bệnh, là cách tìm hiểu sâu sắc những vấn đề then chốt.
Ngày đầu xuân, niên hiệu Lê Cảnh Hưng năm thứ 41 (1780)
Lê Hữu Trác
(Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông)